(HNM) - Trước sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp. Nếu không chuyển đổi số, có thể dẫn đến nguy cơ bị phá sản! Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hay số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị nên bắt đầu từ đầu tư cho công nghệ hay con người…
Tại tọa đàm nhân Ngày Internet Việt Nam 2019 vừa diễn ra, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp một lần nữa được đặt ra. Trả lời câu hỏi, nếu không hoặc chậm chuyển đổi số, doanh nghiệp liệu có nguy cơ phá sản?
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VNG Vũ Minh Trí dẫn lại câu chuyện hãng máy ảnh lừng danh một thời Kodax (Mỹ). Năm 1999, Kodax từng đạt doanh thu 8 tỷ USD/tháng từ bán phim, thuốc rửa phim... Nhưng với sự phát triển của công nghệ, các thế hệ điện thoại thông minh (smartphone) ra đời có chức năng chụp ảnh độ nét cao, không kém máy ảnh... đã khiến Kodax bị phá sản vào năm 2012.
Liên hệ thực tế chuyển đổi số tại doanh nghiệp, ông Vũ Minh Trí cho biết, VNG có xuất phát ban đầu là doanh nghiệp phát hành game (50-60 triệu tài khoản), sau đó phát triển thêm dịch vụ mạng xã hội (hệ sinh thái Zalo), thanh toán (có 100 triệu tài khoản). “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những người hiểu doanh nghiệp cần chuyển đổi như thế nào”, ông Vũ Minh Trí khẳng định.
Theo Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC Lương Tuấn Thành, chuyển đổi số tại doanh nghiệp không nằm ở công nghệ mà phải bắt nguồn từ con người với mô hình hoạt động và kinh doanh.
“Trước khi thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi cứ nghĩ mình không thiếu đội ngũ lập trình viên giỏi, nhưng khi bắt tay làm mới nhận thấy, mình thiếu những kỹ sư lập trình có tri thức mới (tri thức về văn hóa số)”, ông Lương Tuấn Thành cho biết.
Tương tự Giám đốc Phát triển sản phẩm Công ty Công nghệ thông tin VNPT Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh, yếu tố con người là quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, để tồn tại và phát triển, Tập đoàn VNPT đã, đang triển khai 40 dự án liên quan đến chuyển đổi số trong nội bộ; trong đó tập trung chuyển đổi số theo hướng giảm nhân lực thực hiện nhưng hiệu quả công việc cao hơn…
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, doanh nghiệp chuyển đổi số là cần thay đổi cách làm truyền thống bằng ứng dụng công nghệ, hợp tác. Ví dụ 5-10 năm trước, không ai nghĩ vận tải hàng hóa, taxi sẽ có lúc lâm vào cảnh khó khăn vì ai cũng phải đi; nhưng giờ người ta vẫn đi nhưng đi theo cách khác, gọi xe theo cách khác - xuất hiện mô hình Uber, Grab... Hay như món phở, khách hàng trẻ hiện chọn cách gọi món online, đem về tận nơi - cách ăn đã thay đổi thì phục vụ phải thay đổi, nếu không muốn bị giảm khách.
Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John von Neuman (JVN) thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, quan trọng nhất của chuyển đổi số vẫn phải là con người, thể chế và công nghệ cùng song hành. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho tất cả, từ tầm quốc gia đến doanh nghiệp và nếu chúng ta không làm, thì khoảng cách sẽ ngày càng xa so với các nước phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.