(HNM) - Tăng trưởng xanh, phát triển mà không gây hại môi trường… là những thách thức mà thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phát triển công nghiệp tại Đông Nam Bộ đang phải đối mặt. Đã có những nỗ lực đáng mừng từ cơ sở trong thực hiện kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn cần có chính sách hoàn chỉnh để trợ lực, nhân rộng mô hình này.
Những nỗ lực từ cơ sở
Huỳnh Hạnh Phúc đã tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Missouri (Mỹ), thạc sĩ Chính sách công Đại học Harvard (Mỹ) từ năm 2018. Sau hơn 3 năm làm việc cho các công ty nước ngoài tại Singapore, anh quyết tâm khởi nghiệp sáng tạo bằng cách về nước để thành lập doanh nghiệp xã hội Green Connect (Kết nối xanh) từ sau dịch Covid-19 và nổi tiếng với dự án “biến rác thành trứng gà”.
Đưa chúng tôi thăm trang trại đang nuôi hàng nghìn gà thịt và gà đẻ trứng trong mô hình gà nuôi thả bảo đảm phúc lợi động vật gắn với kinh tế tuần hoàn, Phúc cho biết, mỗi ngày anh nhận khoảng 1 tấn rau củ quả tươi loại ra từ chuỗi siêu thị Mega Market về làm thức ăn cho ruồi lính đen để nuôi ấu trùng. Hằng ngày, trang trại cũng nhận khoảng 1 tấn bánh ngọt các loại bị vỡ, lỗi và lượng lớn vỏ trứng… thải ra trong quá trình sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam. Ấu trùng ruồi lính đen và vụn bánh cùng vỏ trứng được phối trộn làm thức ăn cho gà.
“Tôi đã giảm được 30% chi phí thức ăn cho gà so với thức ăn công nghiệp; tạo ra sản phẩm trứng và thịt gà có vị ngon, thơm hơn. Hệ thống siêu thị Mega Market đã đề xuất tiêu thụ thịt gà và trứng của tôi với nhãn hàng riêng. Còn Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam đang trợ giúp để tôi nâng sản lượng trứng gà làm nguyên liệu sản xuất bánh”, anh Huỳnh Hạnh Phúc nói.
Trong một nỗ lực khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Viễn và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai thành công đề tài khoa học "Nghiên cứu công nghệ thu hồi nitơ, phốt pho trực tiếp từ nước thải nhà máy phân bón và định hướng sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón".
Theo đó, nhiều nhà máy sản xuất phân bón ở Việt Nam đang áp dụng quy trình xử lý khí, bụi thải trong quá trình sản xuất bằng cách dùng hóa chất để “đuổi” nitơ (ở dạng khí NH3) và phốt pho ra khỏi dung dịch thải. Tuy nhiên, nước thải này sẽ có hàm lượng pH cao, nên lại phải dùng hóa chất để trung hòa trước khi thải ra môi trường.
“Nhóm đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ thu hồi struvite (các chất bụi, khí thải) từ nước thải nhà máy phân bón mà không tăng lượng hóa chất để sản xuất phân NPK từ struvite thu hồi được. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác triển khai trên quy mô công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Viễn nhấn mạnh.
Tìm cơ chế tháo gỡ các vướng mắc
Với công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Viễn và nhóm cộng sự, việc định giá quy trình thu gom struvite để sản xuất phân bón rất khó thực hiện, nếu căn cứ theo các quy định hiện hành. Nếu không được định giá, sẽ rất khó để nhóm có thể bán hay hợp tác ứng dụng công nghệ mới này với các khách hàng. Đây là vấn đề chung của nhiều nghiên cứu khoa học khác, nhất là các đề tài dùng ngân sách nhà nước để triển khai. Các nhà khoa học đang chờ đợi những chính sách cụ thể hơn để tháo gỡ vướng mắc này.
Còn dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Huỳnh Hạnh Phúc đang rất cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Nếu có vốn, anh Phúc sẽ tổ chức quy trình thu gom, sơ chế thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng lớn tại thành phố Hồ Chí Minh làm nguyên liệu đầu vào cho quy trình khép kín chế biến thức ăn dạng viên để nuôi gà và cung ứng cho người nuôi cá cảnh, chim cảnh. “Hiện nay, tôi chỉ có thể vay tiền ngân hàng làm nhà xưởng. Dự án của tôi quá mới, khó thu hút các nhà đầu tư”, anh Phúc chia sẻ.
Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam đang là một nhà đầu tư của anh Phúc, bởi họ muốn tăng nguồn cung nguyên liệu “xanh” trong sản xuất các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại cũng chưa khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguyên liệu “xanh” như vậy. Mọi sự mới chỉ là nỗ lực tự thân.
Trong định hướng phát triển kinh tế xanh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định 7 lĩnh vực cần ưu tiên để phát triển kinh tế xanh như: Phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, khung pháp lý cho những vấn đề này chưa hoàn thiện, đơn cử chính sách khuyến khích khởi nghiệp xanh hay ưu đãi sản xuất xanh, phát triển điện mặt trời mái nhà tại công sở…
“Thành phố đã có nhiều đề xuất và mong chờ Trung ương xem xét, ban hành để triển khai hiệu quả các lĩnh vực trên”, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.