(HNM) - Như mọi làng quê Việt Nam, làng tôi có một ngôi đền êm đềm với giếng nước, cây đa..Đền là nơi người Việt thờ những danh nhân, công thần của làng xã, đất nước. Trông đền chỉ một người. Đó là ông từ. Ông không chức sắc, chẳng thu nhập, nhưng công việc không bao giờ bê trễ.
Bao nhiêu năm chiến tranh; bao nhiêu năm thiếu thốn, đền làng tôi chỉ một cụ từ trông nom bảo quản. Làm sao cụ có thể giữ cho đền lúc nào cũng tinh sạch, khói hương không bao giờ dứt là điều đến giờ lớp hậu duệ chúng tôi không sao hiểu được. Những thời đó làm gì có hòm công đức, làm gì có những nhà hảo tâm như bây giờ. Thời đó chỉ có một niềm tin.
Và một tấm lòng thành...
Giáp Tết vừa rồi tôi qua đền làng. Trông thấy lạ. Rực rỡ hẳn. Cung cách lễ nghi cũng khác hẳn.
Đền được tu sửa chắc chắn bằng bê tông giả gỗ, giả ngói. Điện thờ dùng toàn nến, đèn điện tử nhập; chuông cũng chuông điện tử...
Bước qua cổng đền, trước khi vào điện chính thắp hương, có một bàn tiếp nhận do ba cụ ông phụ trách. Một cụ tiếp nhận, xướng danh; một cụ ghi danh và số tiền đóng góp; một cụ trao chứng chỉ về lòng thành công đức của khách viếng. Vào trong thấy một dãy chiếu. Khách được mời nước, không mất tiền. Khâu này do các cụ bà đảm nhận. Phía trong có mấy cô tay cầm hương đốt sẵn để trao cho khách thập phương. Cũng miễn phí…
Đền làng tôi, dù nền tảng vẫn rất bản sắc, nhưng giờ rất hiện đại. Thay cho một ông từ ngày nào là cả một hệ thống dịch vụ đúng "aidô" quốc tế. Và tất nhiên phí dịch vụ cũng tương ứng.
Ngôi đền làng tôi mang cấp quốc gia theo đúng nghĩa. Đền thờ một danh nhân đất nước với lễ hội lớn được tổ chức hằng năm dịp Tết Nguyên đán để tưởng nhớ một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là lễ hội rất được mong chờ, đầy trang trọng và tự hào của người Việt. Rồi không rõ từ lúc nào, lễ hội dân tộc ấy trở thành một phiên chợ với những trò chơi điện tử ăn tiền dành cho trẻ con; với những "gánh hát rong"; với những hàng quà rong chen chúc...
Hỏi ra mới biết là chính quyền địa phương, sau bao nhiêu năm kiên trì đã giành được "quyền" tổ chức lễ hội và thế nên, theo cơ chế thị trường, họ bán từng phần "quyền" đó cho những ai trả giá cao nhất. Rồi dưới lại cứ thế mà đấu giá, cho đến tận quán nước chè, quán phở hay một gánh "điện tử" vận may...
Cơ chế thị trường mà!
Cơ chế gì mà lễ hội ngày Tết, kể cả cấp quốc gia, cũng đấu thầu được? Cơ chế gì mà đền làng cũng thành phiên chợ?
Tháng Giêng với bao nhiêu lễ hội từ làng xã tới cả nước. Đã bao nhiêu năm rồi dư luận lên tiếng phản đối xu hướng thương mại hóa những giá trị tinh thần của người xưa để lại mà vẫn chưa thấy chuyển biến. Liệu đến khi nào những "việc làng, việc nước" như trên mới giảm bớt? Và bao giờ nó mới trở lại như ngày xưa, như cội nguồn nó sinh ra?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.