Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện của người lần đầu đến xứ Phù Tang

Hiền Lương| 14/01/2010 06:37

(HNM) - Mùa đông ở miền Nam Nhật Bản có kiểu rét run chẳng khác gì miền Bắc mình. Nên đến đất nước Mặt trời mọc mà bến đỗ là miền Nam thì một gã trai Bắc như tôi thấy ấm lòng vì đỡ nhớ nhà hơn, dù có chút tiếc nuối không được "sống chung với tuyết". Xứ Phù Tang có nhiều điểm tương đồng với quê mình, nhưng ở nơi xứ lạ, cái thú vị là khám phá ra những điều khác biệt. Kokonoe là một kỷ niệm nho nhỏ với những điều khác biệt thú vị ấy.

1. Khi Hà Nội đã bước vào đông với những cơn gió mùa đầu tiên, chúng tôi lên máy bay bắt đầu hành trình tới Nhật Bản. Chuyến đi của những người "chưa tới Nhật lần nào" đầy ắp niềm háo hức. Đoàn chúng tôi gồm 64 thanh niên từ khắp cả nước tham gia khóa đào tạo ngắn hạn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức về phúc lợi xã hội thanh, thiếu niên, ngõ hầu tìm ra những điều hay đem về quê hương vận dụng. Sang đến Tôkyô, đoàn chia làm 3, nhóm chúng tôi có 24 người tới miền Nam "ấm áp", hai nhóm còn lại đi lên miền Bắc tuyết trắng, lạnh căm. Chúng tôi có 15 ngày ở Nhật, khóa học có khoảng dăm buổi nghe các giảng viên đại học thuyết trình, mươi buổi tham quan, giao lưu, học hỏi tại các cơ sở phúc lợi.

Nhật Bản đang hướng trẻ em về với thiên nhiên.

Trung tâm Thanh, thiếu niên Kokonoe là một trong những cơ sở phúc lợi xã hội mà chúng tôi ghé thăm. Nói là ghé thăm, nhưng chúng tôi đã có hai ngày trải nghiệm ở đây như những thành viên thực thụ, giống như gần 5 vạn người khác mà trung tâm này tiếp đón mỗi năm. Đó là một quần thể trường sở rộng lớn đến ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn là chỉ có 8 cán bộ, nhân viên "cai quản" cơ ngơi này. Họ làm đủ mọi việc mà tưởng như chẳng làm gì, bởi phương châm ở đây là "hãy tự thu xếp cho mình nhé".

Trung tâm Thanh, thiếu niên Kokonoe nằm trong Công viên quốc gia Aso, phía Tây tỉnh Oita - trên Đảo Kyushu (âm Hán Việt gọi là Cửu Chân), một trong bốn đảo chính của nước Nhật. Nhiều người Việt biết đến Oita vì vị giáo sư Morihiko Hiramatsu, cha đẻ của phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" đang được phổ biến tại Việt Nam, vốn là quan chức tỉnh này. Giáo sư Hiramatsu vừa đến Việt Nam hồi tháng 6-2009.

Đảo Kyushu nằm về phía Tây nam, được coi là nơi khai sinh ra nền văn minh nước Nhật. Khí hậu ở đây khác xa miền Bắc và phân rõ bốn mùa. Mùa đông dưới đồng bằng có nhiệt độ thấp hơn Hà Nội vài độ C, nhưng vì không khí khô hơn, nên mức độ lạnh giá gần giống nhau. Oita mang đặc trưng khí hậu của Kyushu. Kokonoe thì khác, vì nằm trên độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, nên nhiệt độ thấp hơn 6-7 độ C. Chúng tôi "đổ bộ" lên Kokonoe đúng vào những ngày lạnh nhất.

Trung tâm Kokonoe là cơ sở công lập, ra đời từ năm 1983, mỗi năm "ngốn" ngân sách tỉnh khoảng 300 ngàn USD. Trung tâm có chức năng hỗ trợ, phục vụ và cung cấp dịch vụ giúp các tổ chức (chủ yếu là trường học) và gia đình tổ chức các hoạt động mang tính tập thể, ngoại khóa cho trẻ em. Trung tâm cũng làm nhiệm vụ huấn luyện cho cán bộ hoặc tình nguyện viên về kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể cho thanh, thiếu niên. Đây sẽ là một trong hai trung tâm thanh, thiếu niên công lập của Oita, trung tâm còn lại ở sát mặt biển.

Ở Việt Nam cũng có một số tổ chức, cơ sở thực hiện những chức năng như Trung tâm Kokonoe, nhưng ở đây có những thứ vừa lạ tai vừa lạ mắt.

2. Trung tâm Kokonoe được dựng lên với mục đích giúp trẻ em hòa nhập với thiên nhiên, xa rời những phương tiện kỹ thuật, đời sống thị thành khô khan và cô đơn; rèn trẻ có tính tự lập. Đây còn là mô hình kiểu "xã hội hóa quản lý và tổ chức" có lẽ chưa từng thấy ở bên ta. Những quan điểm này được biểu đạt từ chi tiết tới toàn thể, khiến chúng tôi rất ngạc nhiên.

Rời xe buýt ngay trước sảnh trung tâm, chúng tôi được dẫn tới phòng họp tập trung. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông trung niên, tóc cắt ngắn, vận chiếc áo phao giản dị. Ông giới thiệu mình là Maruo, Giám đốc Trung tâm Kokonoe. Thực chất, ông đã coi chúng tôi như bất kỳ đoàn khách nào từng tới đây, nên cuộc nói chuyện chính là hướng dẫn cách sinh hoạt tại Kokonoe. Sau khi giới thiệu "một lèo" khái quát về cơ ngơi mình quản lý, Maruo quay ra việc chính là phổ biến nguyên tắc và hướng dẫn cách trải đệm, gập chăn! "Ở đây, các bạn không có người phục vụ như ở khách sạn, các bạn phải tự làm tất cả" - chúng tôi đã được "cảnh báo" về điều này, nhưng vẫn bất ngờ với kiểu hướng dẫn của Maruo. Vài thành viên nhướn mày tỏ ý "chẳng lẽ mình ngần này tuổi mà không biết gập chăn sao?". "Các bạn phải tự lấy ga để trải đệm và chăn cho mình. Trải từng lớp, từng lớp… thế này" - Maruo dửng dưng bắt đầu. "Trước khi các bạn rời trung tâm, xin gập lại đệm, chăn như cũ và trả lại ga". "Ở đây chúng tôi đi ngủ lúc 10 giờ, nhưng hôm nay chỉ có các bạn nên chúng ta có thể kéo dài thêm 1 tiếng. Ngày mai, các em nhỏ tới đây, mong các bạn thực hiện đúng để làm gương nhé!" - Maruo đề nghị dứt khoát. Khoảng 1 giờ, Maruo liếng thoắng về các nguyên tắc; người nghe được, người chỉ loáng thoáng, nhưng cuối cùng ai cũng hiểu ra một điều: mỗi người tới đây đều phải tự phục vụ bản thân. Tôi tự nhủ, thật là một bài học sống động về tính tự lập cho trẻ em! Nhưng chúng tôi thì cũng… vẫn có ích, vì tự thấy mình vẫn thường áp dụng "văn hóa" giao thông Hà Nội vào nếp ăn ở hằng ngày!

Giống như hầu hết những nơi chúng tôi chứng kiến, môi trường ở Kokonoe rất sạch sẽ. Không phải vì họ chịu khó lau chùi thường xuyên, mà vì tất cả những đoàn khách tới đây đều phải tự chịu trách nhiệm về vệ sinh khu vực mình sinh hoạt. Rác mang đến Trung tâm Kokonoe hoặc do khách xả ra, họ phải tự gói lại để mang "xuống núi". Mỗi phòng ở đều có thùng rác, nhưng sau khi khách rời đi, khách phải bảo đảm là thùng… không còn rác. Trung tâm sẽ giao máy hút bụi để khách làm sạch phòng ở trước khi rời đi. Tất cả là nguyên tắc.

Tôi định hỏi Maruo rằng, nếu khách không làm theo nguyên tắc thì Trung tâm có "chế tài" gì để điều chỉnh. Nhưng dường như tự tôi đã có câu trả lời, rằng "cần gì đến chế tài". Ngót mươi ngày ở Oita, chúng tôi chưa từng thấy người dân nào xả rác ra đường hay nơi công cộng, trong quán ăn… Hơn nữa, các thầy, cô giáo ở những cơ sở mà chúng tôi đến thăm đều cho biết, đầu buổi học và trước khi kết thúc một ngày học tập, học sinh của họ đều phải tham gia vệ sinh lớp học. Đây là bài học bắt buộc. Nghĩ tới đây, tôi chợt giật mình nhớ ra rằng, ở đâu đó nước mình, nhiều bậc phụ huynh từng chẳng ngại ngần mà lên án gay gắt giáo viên "sao dám bắt con tôi bé bỏng thế này cầm chổi quét trường chứ? Ở nhà tôi còn không dám bắt nó làm!".

Ở Trung tâm Kokonoe vẫn có "chế tài". Nhưng đây là "chế tài tế nhị": Nhân viên của Trung tâm giám sát "một cách tế nhị" việc thực thi các nguyên tắc sinh hoạt. Họ có nhắc nhở, nhưng thông qua người phụ trách đoàn. Đây là cách "xã hội hóa quản lý và tổ chức" rất tế nhị mà hiệu quả!

Chiều ngày thứ hai ở Kokonoe, có đến hàng trăm em học sinh từ một trường học thể thao đến cùng với khoảng 10 anh chị phụ trách - những người chịu trách nhiệm hướng dẫn các em tuân thủ nguyên tắc. Bữa ăn tối đó thật ồn ào, hàng trăm đứa trẻ líu lo trong phòng ăn, mỗi đứa một vẻ. Nhưng em nào cũng phải tự lấy thức ăn và sau khi ăn tự mang khay thức ăn tới nơi rửa bát, chuyển cho nhân viên phục vụ. Xếp dọn bàn ăn đều do các anh chị phụ trách đảm nhiệm. Đó là nguyên tắc làm việc của Kokonoe. Tất cả đều răm rắp như vậy. Chẳng thế mà, cả một phòng ăn lớn như đám cưới "trăm mâm" hay quán bia "Biển Xồm" ở ta mà chỉ một loáng đã gọn gàng, đẹp mắt. Bữa ăn ở Kokonoe ngon, đủ chất và thuộc dạng rẻ nhất mà chúng tôi thấy trong chuyến đi: 900 yên (khoảng 200 ngàn đồng)/2 ngày: thức ăn vài món, đủ màu sắc, nhưng có giới hạn; cơm và trà thì thoải mái.

3. Như đã kể, Kokonoe chủ trương sống hòa cùng thiên nhiên, nên những phương tiện, dịch vụ hiện đại đều rất xa lạ ở đây. Cả nước Nhật có 5 triệu máy bán hàng tự động, nhưng ở Kokonoe không có, cũng không có cửa hàng, dịch vụ gì khác, khách đến đây đều phải chuẩn bị đồ từ nhà. Ở đây cũng gần như không điện thoại, không internet…

Hỏi các anh chị đi cùng nhóm, tôi được biết, ở Việt Nam mình có hệ thống hàng trăm nhà thiếu nhi trên cả nước, hoạt động khá phong phú, nhưng cách tổ chức, quản lý thì "mỗi nơi, một kiểu". Mới đây, ở Cần Giờ cũng xây dựng được một trung tâm kiểu Kokonoe nhưng quy mô nhỏ và cách quản lý có lẽ cần học tập nhiều từ Kokonoe.

Khi tôi đề nghị Maruo giải thích về mục đích hoạt động của Trung tâm Kokonoe, vẻ mặt ông chùng xuống. Rồi Maruo cất tiếng, giọng điệu có phần lo lắng "Trẻ em bây giờ cô đơn lắm. Ngoài trường học (vốn đã "bù đầu"), các em thường xem tivi, chơi game, vào mạng… Những hoạt động này không mang tính tập thể. Điều kiện, môi trường để các em tự do vui chơi ngày càng ít đi. Các em không có chỗ chơi, không có người chơi cùng, không có thời gian chơi. Thời tôi, trẻ em vẫn xem tivi, chơi game, nhưng thời gian chơi với bạn bè, hàng xóm nhiều hơn. Bây giờ những người lớn chẳng bao giờ quan tâm tới trẻ em hàng xóm, đèn nhà ai nhà nấy rạng". Theo Maruo, xã hội bây giờ đầy ắp những thông tin không cần thiết cho trẻ em, nhưng các em vẫn phải hằng ngày tiếp nhận. 55,6% người được hỏi trong một cuộc điều tra mới đây tại Nhật cho rằng, gia đình bây giờ không ấm áp như ngày xưa.

Maruo thoáng buồn khi dẫn chứng mặt trái của xã hội điện tử, game online rằng bạo lực học đường gia tăng, số học sinh phạm tội cũng tăng, đáng lo sợ hơn là số học sinh tự tử cũng vậy. Vì thế, Kokonoe muốn tổ chức thật nhiều những hoạt động tập thể, rèn luyện tính cách trẻ em, giúp các em hòa đồng với nhau, hòa mình vào thiên nhiên để khám phá, mở rộng con tim yêu thương. Ông kỳ vọng, từ Kokonoe, lời cảnh báo sẽ lan đi, thức tỉnh mọi người cùng quan tâm tới trẻ em nhiều hơn, giúp các em phát triển lành mạnh hơn. "Bản chất con người là một phần của tự nhiên. Thiếu hòa nhập với tự nhiên, chúng ta sẽ trở nên cô độc, không tự chủ được mình" - Maruo quả quyết. Ông cung cấp, năm 2006, có 4 vạn vụ bạo lực học đường trên toàn nước Nhật (số mới nhất là 53 ngàn vụ - thống kê tháng 3-2008)…

Những điều Maruo nói khiến tôi như bừng tỉnh, nhận ra rằng, ở ta cũng đang gia tăng những vấn đề tương tự. Bạo lực học đường đang trở nên phổ biến hơn. Có nơi trẻ em lập bang, hội để đánh nhau, trấn lột bạn bè; nhiều vụ thanh, thiếu niên ẩu đả chỉ vì "nhìn thấy ghét là đánh"... Game online, internet cũng đang gây nghiện, làm hỏng không ít học sinh, sinh viên, khiến bao phụ huynh mất ăn mất ngủ. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra về TTXH (Bộ Công an), năm 2006 có 7.000 vụ mà đối tượng phạm tội dưới 14 tuổi. Năm 2007 số vụ giảm đi 1%, nhưng mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn nhiều.

Maruo chia sẻ: "Việt Nam có những vấn đề tương tự như Nhật Bản nhưng mức độ thấp hơn. Trước đây chúng tôi từng đã lơ là, nên giờ phải đối phó khó khăn và phức tạp hơn. Các bạn nên quan tâm sớm". Cám ơn Maruo về những lời chân tình, bổ ích của ông. Khi Maruo đi khuất về căn phòng quản lý của ông, tôi cứ mãi băn khoăn rằng, liệu ở Việt Nam mình, vấn đề mà Maruo nói đã được quan tâm đúng mức cần thiết hay chưa?

… Trời đã hửng nắng, không khí ở Kokonoe bớt buốt giá hơn. Chúng tôi chia tay Maruo và cơ ngơi của ông. Lũ trẻ vừa tới hôm qua đang túa ra sân Trung tâm, ríu rít bám theo các anh chị phụ trách. Hôm nay các em sẽ lên núi với những bài học tự nhiên mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của người lần đầu đến xứ Phù Tang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.