(HNM) - 10h30 ngày 24-3, anh Hải đang làm việc ở một công ty may đóng trên địa bàn huyện Thạch Thất thì nhận được điện thoại, đầu số +88… Giọng nữ ở đầu dây bên kia:
- Chào anh Hải, anh có một thư bảo đảm. Chúng tôi đã hai lần đến công ty mà không giao được, nay anh có thể cho số căn cước công dân và địa chỉ được không?
Anh Hải hỏi lại:
- Nhận thư bảo đảm sao lại cần số căn cước công dân, tôi không hiểu?
Người ở đầu dây bên kia nhũn nhặn:
- Dạ, để anh em đối chiếu chính xác địa chỉ tránh phải đi lại nhiều lần. Thư của anh đến 16h hôm nay là hết hạn rồi.
- Tôi hiểu rồi. Để tiện cho cả hai, tôi nhờ chị mở thư ra xem hộ nhé.
Đợi khoảng một lúc, người đó nói:
- Giấy mời ghi, đúng 16h ngày 24-3, anh có mặt tại 46 phố Hai Bà Trưng để giải quyết việc tranh chấp 45 triệu đồng giữa anh và Ngân hàng Agribank.
- Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ có giao dịch nào với ngân hàng này. Chắc có sự nhầm lẫn đấy! Bây giờ, tôi nhờ chị dán lại bì thư, đóng dấu đơn vị chuyển phát nhanh và gửi cho tôi ngay. Tôi chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Từ đó đến hết giờ làm chiều, anh Hải có ý đợi nhưng người đưa thư vẫn biệt vô âm tín. Băn khoăn, anh gọi điện hỏi nhân viên chuyên chuyển phát nhanh cho công ty, người này nói:
- Anh không cứng là bị lừa rồi đấy. Từ nay, anh cần cảnh giác với số máy lạ, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là số tài khoản, kẻo mang họa có ngày.
Chuyện anh Hải kể với Người Xây Dựng đã xảy ra nhiều lần. Đã có người vì nhẹ dạ đã cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ gọi đến, gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, nên nay Người Xây Dựng cứ kể lại để mọi người cùng cảnh giác với các số máy lạ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.