(HNM) - Vừa qua, đề xuất chuyển cơ chế tài chính từ “phí thủy lợi” sang “giá dịch vụ thủy lợi” của Bộ NN&PTNT nhận được nhiều ý kiến đánh giá là cần thiết.
Bước đi phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng: Đề xuất chuyển từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi là để phù hợp với quy định của pháp luật liên quan sẽ có hiệu lực trong tháng 1-2017. Đi kèm đề xuất này là việc thực hiện chính sách trợ giá để không làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Áp dụng cơ chế tài chính mới, nông dân sẽ được hưởng dịch vụ thủy lợi tốt hơn, đồng thời ngân sách cũng giảm áp lực chi cho lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi…
Ảnh minh họa. |
Làm rõ hơn vấn đề trên, PGS.TS Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi cho biết: Nếu thực hiện cơ chế tài chính mới, nông dân có quyền thỏa thuận mức giá cũng như có quyền từ chối sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Ví dụ, tại các vùng trồng rau, nuôi thủy sản sạch, an toàn của Hà Nội… nông dân có quyền từ chối không sử dụng nguồn nước ô nhiễm lấy từ sông Nhuệ để sản xuất. Doanh nghiệp thủy lợi muốn tồn tại, bán được sản phẩm, có lợi nhuận thì buộc phải có giải pháp bảo đảm chất lượng nguồn nước, tiết giảm chi phí quản lý, vận hành...
Khi thực hiện cơ chế tài chính mới, ngân sách cũng giảm áp lực đầu tư công, hiện đang ở mức hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa, vận hành công trình thủy lợi. Một ví dụ tiêu biểu, hiện ngân sách chi cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa khoảng 36 tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí và khoảng 15 tỷ đồng chi cho công tác sửa chữa. Nếu chuyển sang cơ chế giá, doanh nghiệp quản lý, khai thác hồ sẽ thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm… Với nguồn thu này, rõ ràng, ngân sách không những xóa khoản chi 51 tỷ đồng mỗi năm mà còn có thêm kinh phí hỗ trợ các địa phương khác…
Cần sớm có hướng dẫn
Không thể phủ nhận, điểm tích cực trong chính sách miễn thủy lợi phí thời gian qua là giúp nông dân tiết giảm chi phí, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, phía sau chính sách này là tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên. Nhiều nông dân coi nước như “lộc trời cho”, chưa áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm; doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà tham gia đầu tư và đặc biệt là gia tăng áp lực ngân sách nhà nước với khoản chi khoảng 6.200 tỷ đồng mỗi năm. Tính riêng TP Hà Nội, năm 2014 đã duyệt chi gần 387 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 ở mức tương đương… Rõ ràng, việc chuyển cơ chế từ phí sang giá dịch vụ thủy lợi là bước đi phù hợp, cần thiết.
Từ ngày 1-1-2017, Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực, trong đó không quy định danh mục “thủy lợi phí”. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi Đoàn Thế Lợi: Mặc dù Chính phủ mới ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Phí và Lệ phí nhưng hiện còn một số nội dung cần phải làm rõ như: Cơ quan nào xây dựng phương án giá và xây dựng trong điều kiện thời tiết nào, quy trình thẩm định, các căn cứ để thẩm định... Tiền nước sẽ tính theo quy định nào? Có tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí hay chỉ tính chi phí quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi? Các quy định về lợi nhuận, thuế như thế nào? Việc hướng dẫn quy trình xây dựng và thẩm định phương án giá sẽ được giao cho cơ quan, tổ chức nào thuộc Bộ NN&PTNT hay thuộc UBND cấp tỉnh... Đối tượng, phạm vi trợ giá và cơ chế cấp phát thanh toán kinh phí để thay thế chính sách miễn giảm thủy lợi phí hiện nay cũng cần được làm rõ…
Từ những vướng mắc trên có thể thấy điều quan trọng nhất là cần sớm xây dựng khung kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện chính sách liên quan giá dịch vụ thủy lợi; khẩn trương nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và đánh giá tác động an sinh xã hội; đồng thời, triển khai một số mô hình thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm; tăng cường công tác truyền thông để phổ biến các chính sách liên quan đến giá dịch vụ công ích thủy lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.