(HNM) - Những chuyển biến trong thực hiện việc tang văn minh đang góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Là xã miền núi có đồng bào 2 dân tộc Kinh, Mường sinh sống, Yên Bình là điểm sáng của huyện Thạch Thất trong thực hiện tang văn minh. Nếu như năm 2016, cả xã chỉ có 4/27 trường hợp người qua đời được hỏa táng thì đến nay đã đạt tỷ lệ 90%; một số thôn như Dân Lập, Thung Mộ đạt 100%.
Cùng với đó, các hủ tục trong đám tang như rải vàng mã, tiền thật dọc đường, làm cỗ mời khách trong đám tang không còn; việc cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày về cơ bản đã được thực hiện gọn nhẹ, trong phạm vi gia đình.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Bình Phạm Ngọc Họa cho biết: "Đạt được kết quả này là nhờ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên, các ban công tác mặt trận thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân".
Bên cạnh đó, xã đã thành lập ban chỉ đạo, mỗi khi có người qua đời sẽ cử cán bộ xuống gia đình để làm thủ tục khai tử (kể cả ngày nghỉ) và giải quyết nhanh các giấy tờ liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hỏa táng. Ngoài kinh phí của thành phố và huyện, xã còn hỗ trợ 1 triệu đồng/ca hỏa táng.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 20 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) Nguyễn Thị Bích, kinh nghiệm là khi biết tin có người trong tổ dân phố qua đời, Ban Công tác Mặt trận cùng lãnh đạo tổ dân phố phân công cán bộ đến gia đình vừa thăm hỏi, chia buồn, nắm bắt tình hình để có giải pháp hỗ trợ tổ chức tang lễ, vừa tuyên truyền, vận động thực hiện tang văn minh, tiến bộ.
Gia đình nào đã mua vàng mã thì được vận động đốt tại mộ, không rải dọc đường để bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ hỏa táng của tổ dân phố đạt 100%, hiện tượng mê tín dị đoan giảm rõ rệt.
Tại huyện Mê Linh, công tác tuyên truyền thực hiện tang văn minh, tiến bộ cũng được chú trọng, qua đó đã tạo nhiều chuyển biến trên thực tế. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lê Đình Khoát cho biết, đối với những thôn, làng, tổ dân phố có tỷ lệ hỏa táng thấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ mời báo cáo viên tuyên truyền cho nhân dân và người cao tuổi.... Nhờ đó, tỷ lệ hỏa táng của huyện Mê Linh năm 2018 đạt 52,1% - tăng 20,1% so với năm 2016.
Đông Anh cũng là địa phương tiêu biểu trong thực hiện tang văn minh với tỷ lệ hỏa táng đạt 79,8%, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đỗ Ngọc Bích chia sẻ, cán bộ mặt trận từ huyện đến các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động ở 4 nội dung chính: Không làm cỗ mời khách trong ngày tang, cúng tuần, 49 ngày, 100 ngày; xóa bỏ các hủ tục trong đám tang; quy hoạch nghĩa trang; vận động đưa người qua đời đi hỏa táng.
Bà Nguyễn Thị Liễu, ở tổ dân phố số 2, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết: “Thực hiện tang văn minh không chỉ giúp cho mỗi gia đình tiết kiệm được 40-50 triệu đồng chi phí mà còn bớt đi sự mệt mỏi, rườm rà trong thủ tục”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, tỷ lệ hỏa táng của thành phố trong những năm gần đây liên tục tăng. Trong đó, các quận đã đạt tỷ lệ từ 70% đến trên 90%, điển hình: Tây Hồ đạt 97,82%; Long Biên đạt 89,46%; Đống Đa đạt 85,3%...
Cùng với đó, hình thức tổ chức tang lễ đã giảm được nhiều hủ tục. Có được kết quả này là nhờ chính quyền vào cuộc kịp thời, cán bộ mặt trận tích cực tuyên truyền, gương mẫu thực hiện.
Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, trong đó chú trọng đến khu vực ngoại thành, nhằm đẩy lùi các hủ tục, nhân rộng những mô hình tổ chức việc tang văn minh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội thời kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.