Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển biến bền vững nhận thức

Nguyễn Đức| 21/02/2016 05:57

(HNM) - Lễ hội sinh ra, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và phản ánh rõ nét sự đặc trưng văn hóa, quan niệm sống của người dân ở mỗi vùng miền, khu vực. Dù có sự giao thoa văn hóa nhưng những nét đặc trưng của mỗi lễ hội luôn được lưu giữ. Do vậy lễ hội có sức sống mãnh liệt và trường tồn, bởi luôn khẳng định, tôn vinh những nét đẹp văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, giáo dục con người trân trọng lịch sử, truyền thống, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ của nhân loại. Tuy nhiên, lễ hội cũng bị tác động tiêu cực từ những mặt trái trong đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, xuất hiện nhiều xung đột văn hóa Đông - Tây.

Đáng nói hơn, vì nhiều lý do, nhất là khi không ít người đặt nặng lợi ích kim tiền, nên đã làm méo mó lễ hội. Những hành vi tranh giành, thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để "xin lộc", "xin ấn" vẫn diễn ra. Chưa kể việc lợi dụng nét đẹp văn hóa của lễ hội để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, mượn uy danh thánh thần để hủy hoại tài sản người khác. Rồi tình trạng cờ bạc, chặt chém, lừa dối khách hành hương… Để chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội, gần nhất là Chỉ thị số 41-CT/TƯ ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội". Những mặt trái tại lễ hội đang từng bước được tẩy trừ, loại bỏ, người dân - chủ thể của lễ hội thực sự được thụ hưởng vẻ đẹp nhân văn, những nét đẹp văn hóa tâm linh vốn có.

Hà Nội, với sự hội tụ đậm đặc văn hóa, với rất nhiều hoạt động lễ hội, luôn quan tâm bảo đảm công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Dẫu vậy, vẫn còn không ít vấn đề ở nhiều lễ hội, khiến khách hành hương bức xúc. Trước mùa lễ hội Xuân Bính Thân 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ thị nêu rõ, có nhiều nguyên dân dẫn tới hạn chế trong lễ hội, song chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, quản lý thiếu sâu sát, chưa xử lý nghiêm vi phạm… Từ đó, Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, nhân dân. Bắt "đúng bệnh", chỉ đạo trúng nên công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm nay đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận đánh giá cao.

Kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá rất cao kết quả thành phố đạt được. Những hành vi phi văn hóa, đi ngược với tinh thần của các lễ hội truyền thống đã bị loại bỏ trong các lễ hội. Nhiều nét đẹp mang giá trị văn hóa, giá trị nhân văn được phát huy, giúp khách hành hương thực sự được đắm mình trong không gian truyền thống của lễ hội. Có được kết quả đó là sự thay đổi về nhận thức, quyết tâm của các cơ quan chức năng và trong mỗi khách hành hương. Tuy nhiên, mùa lễ hội năm nay vẫn còn dài nên chưa thể thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa tinh thần trách nhiệm, biến nhận thức thành những hành động, hoạt động thường xuyên. Chỉ như vậy, người hành hương mới thực sự đắm mình, thụ hưởng những nét đẹp nhân văn của lễ hội truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến bền vững nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.