(HNM) - Đã có nhiều địa phương hoàn thành 19 tiêu chí, đang được thẩm tra để công nhận xã NTM 2015. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình NTM vẫn còn những khó khăn nhất định.
Nhiều địa phương đã hoàn thành
Ngoài 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2015, Sóc Sơn đặt mục tiêu có thêm 7 xã hoàn thành NTM nhằm tăng tốc cho lộ trình về đích NTM của huyện. Với quyết tâm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Sóc Sơn thường xuyên tổ chức giao ban với lãnh đạo chủ chốt của 7 xã trên kết hợp với kiểm tra thực tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, cả 7 xã đều đã đạt và cơ bản đạt 17-18 tiêu chí NTM, các xã còn lại không có địa phương nào đạt dưới 12 tiêu chí. Các tiêu chí chưa hoàn thiện của 7 xã chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng, cần nguồn kinh phí lớn như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…
Trước thực tế đó, huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh các dự án thành phần để các xã sớm hoàn thiện những tiêu chí trên. "Huyện đã phê duyệt xong danh mục dự án đầu tư xây dựng đường giao thông ngõ xóm kết hợp với rãnh thoát nước theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố trên địa bàn 7 xã với tổng mức đầu tư xấp xỉ 40 tỷ đồng. Đến nay, các xã đã bê tông hóa trên 80% trục đường ngõ xóm" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết.
Đường làng ngõ xóm tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã được cải tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, thay mặt thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đợt 1 cho 20 xã của 5 huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức và Mỹ Đức. Công tác thẩm định xã đạt chuẩn NTM đợt 2 năm 2015 vẫn đang được tiếp tục ở 31 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn thành phố. Nhìn chung, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, điển hình như huyện Thanh Trì. Huyện đã có 100% xã hoàn thành xây dựng NTM. Hay tại huyện Hoài Đức, tính theo kết quả thẩm định mới đây, huyện đã có 17/19 xã đạt chuẩn và đủ điều kiện để công nhận chuẩn NTM.
Nhận diện khó khăn
Thực tế, phong trào xây dựng NTM toàn thành phố cho thấy vẫn còn một số tồn tại. Tại xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Trưởng thôn An Vọng Trần Quang Huy cho biết, sau khi dồn điền đổi thửa, bà con đầu tư phát triển sản xuất thu được nhiều kết quả, thu nhập đã được nâng lên rõ rệt. Địa phương cũng có điều kiện xây dựng các công trình nhà văn hóa, sân vận động, chỉnh trang lại nghĩa trang do có quỹ đất dôi dư. Kết quả chấm điểm NTM của xã Hoàng Diệu, địa phương đã đạt 95 điểm, vừa đủ điều kiện để được công nhận xã NTM. Tuy đã đạt đủ điểm để được công nhận xã NTM nhưng xã Hoàng Diệu vẫn còn nhiều việc tiếp tục phải hoàn thiện, đó là các tiêu chí về trường học, chợ, giao thông nông thôn (đều cần nguồn kinh phí lớn). Tại xã Lam Điền của huyện Chương Mỹ, đến thời điểm thẩm định kết quả NTM, địa phương vẫn còn một số tiêu chí dang dở nên số điểm chấm mới đạt 94,5 điểm, chưa đủ để công nhận đạt chuẩn. Chủ tịch UBND xã Đặng Đình Dũng cho biết, hạn chế của địa phương là việc huy động đóng góp của nhân dân còn thấp, việc chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường trong khu dân cư còn hạn chế, khâu đấu giá đất để "khai thác nguồn lực tại chỗ" chưa thực hiện được…
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội, đến hết tháng 8, toàn thành phố có 121 xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên kết quả này chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu, thì một số huyện kết quả còn thấp như: Mỹ Đức đạt 1/21 xã (4,8%), Ba Vì đạt 3/30 xã (10%), Ứng Hòa đạt 3/28 xã (10,7%), Chương Mỹ đạt 4/30 xã (13,3%), Thanh Oai đạt 3/20 xã (15%), Quốc Oai đạt 3/20 xã (15%), thị xã Sơn Tây đạt 1/6 xã (16,7%)... Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế; cách làm trong xây dựng NTM chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú ý đến các tiêu chí khác... Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu… Đây là những bất cập rất cần được tháo gỡ, khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.