Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội: ''Tiếp sức'' cho doanh nghiệp phát triển

Thanh Hiền| 02/08/2020 06:30

(HNM) - Sau 5 năm triển khai (2016-2020), Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội đã hỗ trợ, "tiếp sức" cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển. Qua đó, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; nhiều người lao động có việc làm với thu nhập ổn định.

Nhờ sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình khuyến công, các sản phẩm gốm Bát Tràng đã giảm được chi phí sản xuất, bảo đảm chỉ tiêu về môi trường.

Hiệu quả tích cực

Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Đào Hồng Thái cho biết, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, chương trình đã tổ chức 274 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 9.590 lao động nông thôn, trên 80% số lao động sau đào tạo có việc làm; tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính cho 7.200 lượt lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn… Đặc biệt, chương trình đã tổ chức thành công 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ với giá trị giao dịch lên tới gần 30 triệu USD…

"Năm 2020, các chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch hơn; kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các đối tác trong và ngoài nước...", ông Đào Hồng Thái thông tin. 

Đánh giá về hiệu quả chương trình khuyến công của thành phố Hà Nội đem lại cho doanh nghiệp, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Nguyễn Trung Kiên cho biết, từ khi sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình khuyến công, các sản phẩm ở Bát Tràng đẹp, chi phí sản xuất thấp hơn, chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới được bảo đảm.

Còn theo ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (làng nghề kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất), sau khi tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã nắm bắt được kế hoạch phát triển công nghiệp của thành phố để định hướng phát triển sản xuất; đồng thời được hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị, quảng bá sản phẩm. Đây là những vấn đề cơ sở sản xuất làng nghề còn thiếu và yếu.

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 550 triệu USD

Không thể phủ nhận chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên đại diện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho rằng, trong giai đoạn mới, chương trình khuyến công cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền, giúp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Về vấn đề này, ông Đào Hồng Thái cho biết, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5%-8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025... 

Bên cạnh đó, chương trình phấn đấu hỗ trợ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng; phấn đấu giảm 5%-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất... Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp với khoảng 150-180 sản phẩm được UBND thành phố công nhận.

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Đào Hồng Thái, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc truyền nghề sẽ gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.

"Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường", ông Đào Hồng Thái chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội: ''Tiếp sức'' cho doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.