(HNM) - Trong hai ngày 26 và 27-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo nhằm xin ý kiến của các chuyên gia về hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nhiều kiến thức chồng chéo, lặp đi lặp lại ở các khối lớp. Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 dự kiến sẽ được thiết kế với số lượng môn học và thời lượng học ít hơn. Mục tiêu của việc thiết kế chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 được điều chỉnh theo hướng chú trọng dạy cái gì, dạy như thế nào chứ không chú tâm dạy được bao nhiêu như hiện nay.
Dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 có cấu trúc hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (gồm tiểu học và THCS) nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng tối thiểu, làm nền tảng. Giai đoạn này không yêu cầu HS phải có kiến thức cao, sâu nhưng phải toàn diện để hình thành nhân cách. Giai đoạn 2 là bậc THPT nhằm tiếp tục hoàn thiện nhân cách và giáo dục phân hóa để phát huy tiềm năng của mỗi HS, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho HS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.