(HNM) - Chương trình 02 của Thành ủy về
Ít nhất 80% số xã về đích nông thôn mới
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 sẽ có sự thay đổi về nhân sự, đó là việc bổ sung thêm đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm phó ban chỉ đạo (BCĐ). Việc này cho thấy Thành ủy đặt quyết tâm rất lớn vào Chương trình 02. Ngoài ra, trong bối cảnh hạn chế nguồn lực, thành phố sẽ tiết kiệm chi để ưu tiên tốt nhất cho công tác xây dựng NTM.
Là cơ quan thường trực của BCĐ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, dự thảo Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020 sẽ đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị cao. Thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5% đến 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đối với xây dựng NTM, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, 100% số huyện, thị xã đạt NTM. Về nâng cao đời sống nông dân, sẽ nâng thu nhập của nông dân đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,8%... Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư cho chương trình ước khoảng 37 nghìn tỷ đồng, trong đó: Ngân sách thành phố hơn 17 nghìn tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 6.500 tỷ đồng, ngân sách xã gần 5 nghìn tỷ đồng, huy động doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ, đóng góp hơn 8.300 tỷ đồng.
Thành công của dồn điền, đổi thửa đã tạo cơ sở tích tụ ruộng đất, xây dựng nhiều mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Viết Mạnh |
Nguồn lực ở đâu ra?
Dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Cần phải làm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình. Đối với mục tiêu 148 xã hoàn thành xây dựng NTM trong 5 năm tới, đề nghị giao chỉ tiêu rõ cho từng huyện. Đối với tiêu chí môi trường, Sở sẽ có đề xuất cụ thể về kinh phí giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường đất đai cho phù hợp…
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Bùi Mạnh Tiến đề nghị phải đưa thêm vào Chương trình 02 nội dung quy hoạch. Cụ thể, nhiều địa phương còn thiếu quy hoạch khu dân cư và quy hoạch trung tâm xã, vì vậy thời gian tới cần rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của xã, huyện. Hiện số lượng điểm dân cư nông thôn cần lập quy hoạch rất lớn với nhiều việc phải làm và cần đưa nội dung này vào Chương trình 02 để thực hiện. Ông Tiến cũng đề nghị cho phép Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở NN&PTNT lựa chọn các xã điểm để lập trước quy hoạch điểm dân cư nông thôn, sau đó sẽ nhân rộng. Trước mắt ưu tiên các xã nghề, các xã có tốc độ đô thị hóa cao.
Đặc biệt, rất nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng nguồn lực 5 năm tới lên đến 37 nghìn tỷ đồng là quá lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, Hà Nội đã đạt kết quả cao trong xây dựng NTM nên cần kế thừa những sáng tạo của các địa phương và nhân dân vào chương trình trong giai đoạn tới. Nếu theo dự thảo, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn thành phố là 37 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hơn 17 nghìn tỷ đồng thì rõ ràng sự kế thừa là không có.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Duy Phong phân tích: Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đặt mục tiêu có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Với tổng kinh phí đầu tư cho NTM trong 5 năm (2011-2015) đạt 26 nghìn tỷ đồng, Hà Nội đã có 201/386 xã đã đạt chuẩn, chiếm 52% số xã toàn thành phố. Điều đó cho thấy tuy nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng kết quả đạt được rất cao. Mục tiêu 5 năm tới, sẽ nâng lên 80% số xã đạt chuẩn NTM (tăng thêm khoảng 28%) nhưng nguồn lực đề xuất lên đến 37 nghìn tỷ đồng là không phù họp. "Phải tính toán lại nguồn lực cụ thể hơn. Tôi e rằng với con số 37 nghìn tỷ đồng là rất khó bố trí bởi nguồn lực thành phố đang rất khó khăn" - ông Phong nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng đề án cụ thể về công tác rà soát, lập quy hoạch trong xây dựng NTM để Sở NN&PTNT bổ sung vào Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020. Về nguồn lực xây dựng NTM, đề nghị Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực chương trình làm rõ. Trong đó, đưa nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vào Chương trình 02, xem đây là nội dung quan trọng trong phát triển nông nghiệp giai đoạn tới. Yêu cầu các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM đến 2020 để xây dựng mục tiêu của thành phố cụ thể hơn. Sau khi được Thành ủy thông qua, UBND thành phố sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc Giai đoạn 2011-2015, công tác xây dựng NTM đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm, trong đó 23,6% huy động ngoài ngân sách. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được bê tông hoặc nhựa hóa là 100%; đường trục thôn và liên thôn bê tông hóa 95%; 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015. Thư Ký |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.