(HNM) - Huyện Chương Mỹ có địa hình đồng bằng - bán sơn địa, đặc biệt có vùng đồi gò bán sơn địa - xen kẹt giữa vùng sâu trũng, năng suất thấp, bấp bênh. 10 xã vùng đồi gò lại nằm trong vùng phân lũ, chịu tác động của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về.
Làm thế nào để nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích vùng đồi gò, Huyện ủy, UBND huyện đã có nghị quyết tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu đã cho kết quả đáng mừng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Huyện Chương Mỹ có 11.859ha đất canh tác, trong đó có 3.287ha đồi gò; giá trị sản xuất đạt thấp; đời sống người dân ở 10 xã vùng đồi gò bán sơn địa gặp nhiều khó khăn... Nhiều vùng đất thịt nặng, đất lẫn sỏi đá của các xã Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, thị trấn Xuân Mai… trước đây chỉ trồng sắn, khoai kém hiệu quả, giá trị thu nhập chỉ đạt từ 18-20 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2005, huyện chỉ đạo các vùng đồi gò từng bước đưa những cây, con giống cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển đổi tập quán canh tác. Từ huyện đến xã đã có nhiều cơ chế khuyến khích bà con chuyển đổi như hỗ trợ giống cây trồng, đưa nông dân đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất ở trong và ngoài tỉnh, vận động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng. Ngoài số diện tích nông dân tự chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, cam Canh, năm 2006, huyện đã triển khai thực hiện dự án trồng bưởi Diễn ở 6/10 xã, thị trấn thuộc vùng đồi gò trên diện tích khoảng 300ha, giá trị thu nhập 1ha bưởi Diễn từ 5 năm tuổi trở lên đạt trên 250 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, tích cực chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Tận mắt chứng kiến những khu đồi ở các xã Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn, Trần Phú… trước đây chỉ trồng được khoai, sắn, nay được phủ kín bằng các loại cây ăn quả bạt ngàn; trang trại V.A.C; chăn nuôi gia súc, gia cầm... chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của bà con nông dân. Chỉ tay về khu vườn hàng trăm gốc bưởi Diễn, cam Canh đang nở hoa trắng xóa, anh Nguyễn Bá Duân bộc bạch: "Vất vả lắm mới có được khu vườn này đấy, hồi mới nhận thầu khu đồi "chó ăn đá gà ăn sỏi" này, ai cũng ngao ngán lo đầu tư lớn sẽ thất thu nặng". Với quyết tâm "biến sỏi đá thành cơm", anh Duân đã đầu tư cả nghìn ngày công và hàng trăm triệu đồng vào cải tạo khu đồi gò. Đất không phụ người, sau gần chục năm cải tạo, khu vườn rộng hơn 2ha của gia đình anh Duân đã và đang cho thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc đưa các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng, nhân dân các xã vùng đồi gò đã mạnh dạn phát triển đàn gia súc, gia cầm. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, nay bà con đã đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung. Chỉ tính riêng 10 xã vùng đồi gò của huyện hiện có khoảng 400 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn (khoảng 1.000 - 8.000 con gà/trang trại và 100-500 con lợn/trang trại), chủ yếu là các hộ liên kết với Công ty CP Group đóng tại thị trấn Xuân Mai nuôi gà gia công với quy mô hàng nghìn con/hộ. Nhờ chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã thoát cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu.
Quyết tâm vượt khó khăn
Mục tiêu của huyện Chương Mỹ năm 2010: tổng diện tích cây ăn quả 1.707ha; tổng đàn bò là 1.990 con, đàn lợn là 180.000 con, đàn gia cầm là 3.535.000 con. |
Từ hiệu quả của các mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng đồi gò thời gian qua, huyện Chương Mỹ sẽ rà soát lại toàn bộ diện tích đất đồi gò còn lại, tiếp tục triển khai một số dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt, gia súc, gia cầm nhằm khai thác hết tiềm năng đồng đất nơi đây. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các xã vùng đồi gò còn nhiều khó khăn. Theo các hộ làm vườn ở Chương Mỹ, khó khăn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Do toàn bộ nông sản làm ra người nông dân đều phải tự tiêu thụ, nên không tránh khỏi bị tư thương ép giá. Vì vậy, rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Khó khăn nữa với các hộ hiện nay là vốn. Anh Nguyễn Sĩ Văn, ở xã Thượng Vực cho biết, để xây dựng khu chuồng trại nuôi 1.000 con lợn hướng nạc phải chi trên 1 tỷ đồng; trồng 1ha bưởi Diễn cũng mất hàng trăm triệu đồng… trong khi nông dân còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục vay vốn. Ngoài ra, một bộ phận nông dân do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng những loại cây, con giống mới nên trong quá trình chăm sóc đã gặp không ít rủi ro.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân chuyển đổi, huyện đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành quan tâm phê duyệt các dự án chuyển đổi của huyện; quan tâm đầu tư kinh phí cho các vùng chuyển đổi; có chính sách thu hút các doanh nghiệp có điều kiện trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại địa phương. Bên cạnh đó, TP sớm nghiên cứu xây dựng các công trình ngăn, chống lũ rừng ngang miền hữu Bùi, tạo điều kiện để các xã vùng đồi gò khai thác tiềm năng đất đai và lao động tại chỗ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.