Xã hội

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Hà Hiền 07/08/2023 - 06:43

Thắp lên ngọn lửa niềm tin để nạn nhân của chất độc da cam và gia đình họ vơi dần nỗi đau, hướng đến những điều tốt đẹp là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan chức năng trong hành trình khắc phục hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam.

Điều này được thể hiện thông qua nhiều chương trình, hoạt động, tập trung cao điểm vào Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-8).

dioxin.jpg
Cán bộ Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng. Ảnh: TTXVN

Vơi dần nỗi đau mang tên da cam

Chiến tranh đã lùi xa vậy mà giữa cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn gặp, phải chứng kiến những gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi có thành viên không lành lặn về hình hài, kém phát triển về trí tuệ do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc này ảnh hưởng đến nhiều vùng đất và cuộc sống của nhiều người dân (khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân).

Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời dành kinh phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Các phong trào hành động vì nạn nhân da cam được triển khai trên quy mô rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nhận được sự quan tâm, chăm lo về nhiều mặt, cộng với sức mạnh, ý chí vươn lên của mỗi người, không ít nạn nhân đã vượt lên nghịch cảnh. Có thể kể đến trường hợp anh Chu Quang Đức (sinh năm 1984, trú tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội), dù thân hình nhỏ bé, không thể tự đi lại, song luôn nỗ lực học tập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà giáo. Hơn 10 năm qua, thầy giáo Chu Quang Đức “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, giảng dạy môn tin học cho nhiều thế hệ học sinh Trường Trung học phổ thông Mê Linh.

Một người vươn lên phi thường là anh Lê Thanh Hải (sinh năm 1982, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Từ hoàn cảnh không thể tự vệ sinh thân thể, trí tuệ phát triển kém, Lê Thanh Hải đã nỗ lực học tập và đạt thành tích đáng nể. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), Lê Thanh Hải đã có việc làm, mang lại nguồn thu nhập phục vụ cuộc sống.

Trên phạm vi rộng, nỗi đau mang tên da cam vơi dần theo năm tháng khi đa số gia đình có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học không còn phải sống trong cảnh nghèo khó.

Tiếp tục chung tay xoa dịu

Thực tế cho thấy, dù những nỗi đau dần được xoa dịu, nhưng ảnh hưởng của chất độc hóa học vẫn còn nặng nề, dai dẳng. Kiên trì thực hiện mục tiêu chăm lo đời sống cho nạn nhân da cam và gia đình họ, các cơ quan chức năng và cộng đồng đang tiếp tục chung tay thực hiện bằng nhiều giải pháp. Về chính sách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi dành cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị ảnh hưởng. Cả nước hiện có hơn 300.000 người đang hưởng các chế độ này.

Để nạn nhân có nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vươn lên, các cơ quan liên quan đã chú trọng xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tổ chức này được thiết lập từ trung ương đến xã, phường, thị trấn, thu hút khoảng 400.000 hội viên sinh hoạt. Đại diện tổ chức hội ở cơ sở, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Ba Vì (Hà Nội) Trần Thị Hoan cho biết, hội đang giúp đỡ hơn 50 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Các hoạt động chăm lo cho nạn nhân được triển khai thường xuyên.

Hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cộng đồng. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay, trong hành trình làm việc nghĩa, người gặp khó do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam là đối tượng được các cấp hội ưu tiên hàng đầu. Hằng năm, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa hàng chục tỷ động để chăm lo về nhà ở, sinh kế, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân và gia đình họ…

Giải pháp quan trọng khác được các bên triển khai trong những năm qua là hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tẩy độc, phục hồi chức năng cho những người bị ảnh hưởng. Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đang đề nghị áp dụng phương pháp giải độc tố HUBBARD (phương pháp lọc máu không đặc hiệu của Mỹ) vào điều trị cho nạn nhân tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì).

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023 (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-8), Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chăm lo về nhiều mặt cho nạn nhân. “Tất cả sự quan tâm đó góp phần thắp lên ngọn lửa niềm tin vào ngày mai tươi sáng cho nạn nhân và gia đình họ. Nỗi đau sẽ vơi dần”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.