(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chưa hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức thì Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú - Trafuco (DN trực thuộc UBND TP Hà Nội) vừa được các ngành chức năng của nước bạn Lào trao tặng giải thưởng
Điều đó cho thấy bước tiến mới của một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực, mang thương hiệu Thủ đô đã khẳng định vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực. Bên cạnh đó, kết quả trên cũng cho thấy hiệu quả của những giải pháp thành phố đã triển khai trong thời gian qua nhằm hỗ trợ các DN vượt khó cùng sự nỗ lực của bản thân các DN. Đây cũng chính là những nội dung trao đổi giữa Báo Hànộimới và Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú - ông Quản Ngọc Cường.
Ông Quản Ngọc Cường. |
Không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ
- Dây và cáp điện của Trafuco được xác định là một trong những sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của Hà Nội. Chủ trương của thành phố thời gian qua là tập trung hỗ trợ các DN chủ lực nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng thị trường. Vấn đề này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Thành phố và các ngành chức năng triển khai những giải pháp giúp DN giảm chi phí “đầu vào”, hỗ trợ “đầu ra”, đồng thời tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn với những cơ chế, chính sách ưu đãi... Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các DN giải quyết những vấn đề liên quan với các cơ quan chức năng.
- Cụ thể, Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú đã được hưởng lợi gì từ chủ trương đó?
- Là DN cổ phần hóa nhưng Nhà nước nắm cổ phần chi phối, điều quan trọng nhất là chúng tôi được chủ động đề xuất với thành phố các phương án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chúng tôi nhận được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của thành phố (riêng năm 2012 là khoảng 2 tỷ đồng), điều đó giúp DN rút ngắn thời gian hoàn vốn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời có điều kiện đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ…
- Sự hỗ trợ của thành phố là rất cần thiết, tuy nhiên bản thân DN cũng phải “tự thân vận động” để khẳng định chỗ đứng của mình? Đây như hai mặt của một vấn đề để chúng ta có thể vượt qua khó khăn, thách thức?
- Vâng! Bản thân chúng tôi cũng phải lựa chọn cho mình hướng phát triển phù hợp. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là dịp để cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường kỹ năng quản trị DN, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất... Ví dụ cụ thể là DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ từ Châu Âu như lò đồng nhập từ Phần Lan; hệ máy kéo sợi, máy bện dây của Đức, Italia; dây chuyền bọc của Áo. Chúng tôi đã tập trung để nâng cao chất lượng của sản phẩm chủ lực thay vì đầu tư dàn trải. Chiến lược này đã đưa Trần Phú trở thành một thương hiệu hàng đầu trong các DN chuyên sản xuất dây và cáp điện tại Việt Nam. Tóm lại là không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ như… “há miệng chờ sung”.
Để tạo ra những đột phá
- Thời gian qua, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã chủ động và tích cực triển khai nhiều biện pháp giúp các DN vượt khó. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Một lần nữa tôi khẳng định sự hỗ trợ của Chính phủ và thành phố đối với các DN hiện nay là rất cần thiết. Điều đó góp phần quan trọng giúp các DN có thể trụ vững, song điều đầu tiên chúng tôi mong muốn là thu hẹp thời gian từ khi ban hành cơ chế, chính sách tới khi các DN tiếp cận được với cơ chế, chính sách. Thời gian càng ngắn thì hiệu quả của các cơ chế, chính sách ban hành tác động tới đời sống xã hội càng cao. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời cơ là rất quan trọng và không bao giờ lặp lại.
- Một số vấn đề khi triển khai phải có “độ trễ” mới đem lại hiệu quả, thưa ông?
- Vâng nhưng đừng để “độ trễ” đó quá lớn. Tôi lấy ví dụ như việc một số luật của chúng ta chính thức có hiệu lực nhưng phải chờ hàng năm sau mới ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Như thế rõ ràng là quá chậm để đi vào cuộc sống.
- Còn những vấn đề gì ông thấy cần phải kiến nghị?
- Đó là thời gian và đối tượng của việc ban hành các cơ chế chính sách. Ví dụ: Đúng vào thời điểm các DN đang gặp khó khăn của năm trước thì chúng ta lại điều chỉnh về thuế sử dụng đất là chưa hợp lý. Chúng tôi không có ý kiến về chủ trương chính sách, nhưng nếu như ban hành vào thời điểm khác thì sẽ giảm bớt gánh nặng cho DN trong lúc kinh tế đang suy thoái. Hay như việc Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN hay giãn thuế VAT nhưng đối tượng được tiếp cận quá ít. Chủ trương đến hiện thực cuộc sống còn có khoảng cách nên hiệu quả trong việc hỗ trợ đối với các DN chưa cao. Cụ thể: Từ ngày 1-7-2013, chúng ta áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN là 20% (trước đây là 25%) đối với DN, kể cả hợp tác xã có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng. Như Trafuco, doanh thu hằng năm của DN là khoảng 1.000 tỷ đồng, vậy thì bao giờ chúng tôi mới tiếp cận được chính sách này? Một vấn đề nữa là lãi suất cho vay vốn của chúng ta dù đã được điều chỉnh nhưng còn cao hơn nhiều nước láng giềng, làm cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên và tất nhiên sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Hiện nhiều nước, trong đó đặc biệt là Trung Quốc có chính sách khá thông thoáng để hỗ trợ các DN xuất khẩu hàng hóa, từ mức thuế suất đến việc tiếp cận nguồn vốn, ấy là chưa kể tới những vấn đề phi giá cả như việc “vận động hành lang” của Chính phủ chẳng hạn…
Cuối cùng Chính phủ và thành phố nên tập trung cho những DN có lợi thế như đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng cũng như giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh, có tiềm năng, từng bước mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nếu được hỗ trợ tốt hơn nữa thì chắc chắn những DN như chúng tôi sẽ có những đột phá nhanh hơn so với việc để DN tự bươn chải. Từ những DN đầu tàu đó mới phát triển dần ra, chứ hỗ trợ dàn trải thì hiệu quả không cao. Hiện nay trong xúc tiến thương mại, nhiều DN đã được hỗ trợ trong tổ chức đưa hàng ra nước ngoài giới thiệu, giảm chi phí đi lại, thuê gian hàng trong một số kỳ cuộc cụ thể. Tuy nhiên, việc chỉ thông qua một số hội chợ, triển lãm là chưa đủ mà cần một chính sách xuyên suốt và kéo dài để hỗ trợ DN từ những nguồn lực ban đầu.
Cơ hội cho mọi doanh nghiệp
- Được biết DN vừa nhận giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” tại Lào. Vậy giải thưởng này được bình chọn theo tiêu chí nào, thưa ông?
- Giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” là nhằm mục tiêu tôn vinh, cổ vũ và khuyến khích những DN, công ty có thương hiệu mạnh, đóng góp vào sự thịnh vượng chung, thúc đẩy nền kinh tế văn hóa, xã hội và mối quan hệ hữu nghị trong ASEAN.
- Theo ông, giải thưởng này có được coi là “bàn đạp” để Cơ điện Trần Phú xúc tiến quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường ngoài nước hay không?
- Quyết định mở rộng kinh doanh sang thị trường khu vực không phải bây giờ mới được chúng tôi triển khai. Từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã hợp tác, chuyển giao công nghệ cho đối tác tại Lào để hoàn thành dây chuyền sản xuất dây cáp điện tại đây và sau đó là cung cấp dây và cáp điện bán thành phẩm cho thị trường này. Tính đến nay, Trần Phú đã xuất khẩu sang Lào khoảng 3.500 tấn cáp đồng - nhôm, đạt kim ngạch hơn 10 triệu USD. Việc được công nhận là “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” là cơ hội rất lớn để chúng tôi đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường ASEAN. Hiện chúng tôi đã và đang xây dựng các chiến lược kinh doanh tổng thể để tiếp tục xâm nhập thị trường Campuchia và Myanmar, tiến tới mở rộng ra toàn khu vực.
- Tham vọng trong tương lai của DN với sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô không lẽ chỉ dừng lại ở thị trường Đông Nam Á?
- Chúng tôi còn đang tính đến việc vươn tới Trung Đông và Châu Phi, những thị trường mà khả năng cạnh tranh của chúng tôi sẽ lớn hơn so với những thị trường khác.
- Từ việc đưa một sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội tham gia hội nhập với khu vực và khẳng định được vị trí trên thị trường, ông đánh giá như thế nào về các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn khác của Thủ đô hiện nay?
- Tôi cho rằng, các DN của Hà Nội có thương hiệu mạnh hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị trường ngoài nước để tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế trong nước chưa hoàn toàn khởi sắc.
Cơ điện Trần Phú là DN cổ phần, trong đó UBND TP Hà Nội nắm 65% cổ phần chi phối. Gần 30 năm qua, dây và cáp điện Trần Phú đã chiếm thị phần lớn nhất ở khu vực phía Bắc. 3 năm trở lại đây công ty liên tục lọt vào TOP 500 DN hàng đầu Việt Nam; đoạt Cúp Vàng Châu Âu về chất lượng năm 2009 và liên tục nằm trong danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao. |
Đi bước nào, vững bước đó
- Thời gian qua, trong nhiều lĩnh vực, một số DN của chúng ta bộc lộ những điểm yếu và kết quả là chưa mở rộng được thị trường thì đã thua ngay trên “sân nhà”. Liệu Cơ điện Trần Phú có rơi vào tình trạng như vậy?
- Quan điểm của chúng tôi là đi bước nào, vững bước đó. Phải củng cố những gì mình đã có, là thế mạnh của mình rồi mới triển khai những bước đi tiếp theo. Thời buổi bây giờ không thể tồn tại bằng kiểu làm ăn chộp giật. Do đó phải giữ vững được thị trường Hà Nội rồi mới mở rộng ra các tỉnh, giữ vững thị trường trong nước rồi mới vươn ra thị trường ngoài nước. Lấy thí dụ về thị trường Lào, trong hơn chục năm qua, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những dự án xây dựng lớn, nhưng bây giờ mục tiêu chúng tôi muốn nhắm đến là người tiêu dùng cá nhân, là thị trường dân dụng. Đây là đối tượng nhiều tiềm năng nhưng còn mới mẻ với công ty. Do đó chúng tôi phải tập trung nghiên cứu từ văn hóa, thị hiếu, phong tục tập quán… để sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thói quen tiêu dùng của nước bạn.
- Thưa ông, chất lượng và giá thành sản phẩm là những vấn đề rất quan trọng, quyết định khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tại thị trường nước bạn, những yếu tố này có được quan tâm?
- Trong “một thế giới phẳng” như hiện nay thì ở đâu cũng vậy, sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hợp lý thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Việc tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ của chúng tôi như đã nêu ở trên là nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Còn về giá thành, việc cạnh tranh hàng hóa với những nước trong khu vực tại thị trường Lào cũng không dễ dàng. Ví dụ như Thái Lan, cách thủ đô Viêng Chăn của nước bạn có con sông Mê Kông nên vận chuyển dễ dàng hơn, chi phí cho vận tải đường sông cũng rẻ hơn đường bộ (từ cửa khẩu của Việt Nam tới thủ đô Viêng Chăn khoảng 800km). Bên cạnh đó, hàng nhập vào thị trường bạn đa phần theo đường tiểu ngạch, còn hàng của chúng tôi qua cửa khẩu phải nộp thuế, thực hiện đầy đủ thủ tục hải quan… Tất cả những điều đó cần được nhìn nhận, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng.
- Vậy xin hỏi việc xuất khẩu hàng sang nước bạn, DN có thu được lợi nhuận nhiều không?
- Chúng tôi xác định, sản phẩm xuất khẩu chỉ cần giá thành bằng với chi phí chi trả là đã thành công. Trước hết là vì trong chi phí làm ra sản phẩm có phần lương của công nhân. Thời buổi này, lo cho công nhân có việc làm và thu nhập ổn định không phải là dễ. Tiếp đó là việc xây dựng và quảng bá được thương hiệu sản phẩm của DN nói riêng, của Thủ đô Hà Nội nói chung trên thị trường nước bạn để hướng tới những kế hoạch dài hơi. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay chúng ta vẫn phải nghĩ tới tương lai, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục. Cơ hội qua đi, khi đó mới bắt đầu nghĩ tới thì e rằng không kịp. Do đó có những việc chúng ta làm hôm nay là cho ngày mai, cho lợi ích của con cháu chúng ta…
- Hiện Cơ điện Trần Phú có bao nhiêu công nhân và thu nhập bình quân của người lao động như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi vẫn duy trì đều số lượng trên dưới 300 cán bộ, công nhân viên trong suốt 20 năm qua và mức thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 7,6 triệu đồng/tháng.
- Xin cảm ơn ông về những nội dung trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.