(HNM) - Chương trình số 02-CT/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã thu được nhiều kết quả. Không chỉ về đích trước 2 năm chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, đến nay, Hà Nội còn là một trong những địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn đứng tốp đầu cả nước với 7 huyện, thị xã được công nhận và 6 huyện khác đang trình hồ sơ để Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Những kết quả đó có được từ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thành phố khi luôn ưu tiên nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Ban hành nhiều cơ chế, chính sách; chỉ đạo sát sao, tháo gỡ các vướng mắc để công tác xây dựng nông thôn mới đúng định hướng. Ý thức được lợi ích do chương trình mang lại, các địa phương cũng đã tích cực, chủ động trong cách triển khai, linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội hóa. Điều ý nghĩa hơn là, vì mục tiêu chung của Thủ đô, các quận cũng nêu cao trách nhiệm, hỗ trợ các huyện có thêm nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 5 năm gần đây, toàn thành phố đã huy động được hơn 61.200 tỷ đồng cho công tác xây dựng nông thôn mới. Đó là nguồn lực quan trọng giúp nông thôn Hà Nội “thay da, đổi thịt”, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. Và trên nền tảng ấy, giai đoạn 2020-2025, Hà Nội đặt ra mục tiêu cao hơn với 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. Để đạt mục tiêu này, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến huy động tổng vốn đầu tư là 89.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân.
Thực tiễn chứng minh, nguồn lực nội tại của nhân dân và địa phương là rất quan trọng. Do đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mỗi địa phương xây dựng nông thôn mới cần lập kế hoạch, lộ trình cụ thể trong huy động nguồn lực; dựa trên điều kiện thực tế của địa phương mình để có hướng khai thác phù hợp. Ví như huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, sự hỗ trợ từ doanh nghiệp trên địa bàn, người sinh sống làm việc xa quê hương... Bên cạnh đó, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy kết quả được thụ hưởng, đời sống được nâng cao nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới; từ đó có ý thức tự giác tham gia, tự nguyện đóng góp, đồng lòng hợp sức tạo dựng nguồn lực xây dựng nông thôn mới và gìn giữ những thành quả đã đạt được.
Những huyện và xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng cần tuyên truyền để người dân biết rõ các tiêu chí mới là gì, nguồn kinh phí đòi hỏi ra sao và tính toán, đặt ra các ưu tiên trong quá trình triển khai. Mọi việc cần được họp bàn dân chủ, công khai để việc huy động nguồn lực từ người dân hiệu quả. Cơ chế các quận nội thành hỗ trợ kinh phí các địa phương xây dựng nông thôn mới đã và tiếp tục được triển khai; do đó, các địa phương được nhận nguồn hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, không được phép lãng phí…
Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu không có điểm dừng nên việc huy động các nguồn lực cũng sẽ là công việc lâu dài. Dẫu còn nhiều khó khăn, song với kết quả đã đạt được cùng sự đồng thuận, quyết tâm, thành phố sẽ cùng chung sức bước vào chặng đường mới với những cách làm chủ động, sáng tạo, linh hoạt để đạt được hiệu quả cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.