(HNM) - Những năm qua, từ phong trào cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội vượt qua khó khăn...
Mô hình VAC của gia đình cựu thanh niên xung phong Cấn Văn Khéo, xã Phú Kim (huyện Thạch Thất). |
Mô hình làm kinh tế VAC của cựu thanh niên xung phong Cấn Văn Khéo (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) là một trong những điển hình tiêu biểu. Từ một gia đình khó khăn, ông Khéo tận dụng diện tích, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Khéo chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ phải không ngừng nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế để không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh”.
Cũng là cựu thanh niên xung phong đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, song bà Nguyễn Thị Thuận (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) lại đi theo hướng khác. Từ một cơ sở sửa chữa ô tô ban đầu, bằng uy tín, trách nhiệm với nghề, đến nay, gia đình bà đã có 6 cơ sở, lúc nào cũng đông khách. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Thuận còn giúp đỡ con em cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn học nghề tại cơ sở của mình và tạo việc làm, thu nhập ổn định. Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thanh Trì Đỗ Xuân Thuộc cho biết: “Hiện huyện Thanh Trì có 45 gia đình cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi. Trong đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp hằng năm cung cấp ra thị trường 440 tấn thịt lợn, cá, gần một trăm tấn rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với doanh thu gần 81 tỷ đồng; thu hút 362 lao động thường xuyên là hội viên và con em hội viên. Đặc biệt, phong trào sản xuất, kinh doanh trong năm qua đã giúp 2 gia đình hội viên thoát nghèo”.
Còn ở quận Bắc Từ Liêm, hai cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đình Chư (phường Tây Tựu) và Nguyễn Công Mậu (phường Minh Khai) tập trung phát triển kinh tế, làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Mô hình trồng bưởi Diễn và trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của mỗi gia đình đạt 300-500 triệu đồng/năm. Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Quý Khang cho biết: Hiện nay, quận có 31 cụm gia đình cựu thanh niên xung phong làm kinh tế. Quận hội đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề, tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ thuật trồng rau quả, bảo đảm vệ sinh môi trường cho cán bộ, hội viên... Qua đó, trong năm qua đã có 3 gia đình hội viên thoát nghèo, nhiều con em cựu thanh niên xung phong có việc làm, nhiều gia đình hội viên vươn lên làm giàu.
Những năm qua, phong trào cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, đặc biệt là phong trào “Gia đình cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo” của Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố phát triển mạnh, có sức lan tỏa rộng khắp. Tại 30 quận, huyện, thị xã đã có gần 2.500 gia đình cựu thanh niên xung phong tham gia phong trào, hình thành hàng trăm câu lạc bộ, cụm kinh tế gia đình để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh; thành lập được nhiều doanh nghiệp do cựu thanh niên xung phong làm chủ. Nhờ vậy, hàng trăm hộ cựu thanh niên xung phong đã thoát nghèo, hàng nghìn hộ vươn lên làm giàu chính đáng.
Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội Dương Thị Vịn cho biết: Năm 2018, qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, các cấp Hội Cựu thanh niên xung phong đã giúp 114 hội viên vượt lên hoàn cảnh của mình để thoát nghèo, 1.543 lao động có việc làm, nhiều hộ khá, giàu. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, Hội Cựu thanh niên xung phong Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Gia đình cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo”, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.