Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức chặn nội dung độc hại trên môi trường mạng

Thống Nhất - Thanh Hà| 11/03/2021 19:23

(HNMO) - Những ngày qua, thông tin về clip dùng búp bê để “xin vía học giỏi” được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bức xúc. Vấn đề quản lý sản phẩm truyền thông và trách nhiệm của gia đình đối với việc quản lý, định hướng học sinh trong các hoạt động vui chơi, giải trí và học tập một lần nữa lại được xới xáo.

Chủ nhân của clip dùng búp bê để “xin vía học giỏi. Nguồn internet

Nội dung không phù hợp

Thơ Nguyễn được biết đến là một YouTuber khá nổi tiếng tại Việt Nam, sở hữu kênh YouTube Thơ Nguyễn. Một cuộc khảo sát nhỏ với các bậc phụ huynh, giáo viên và các em nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, rất nhiều trẻ lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học biết đến kênh này và thường xuyên theo dõi. Hầu hết các gia đình hiện nay đều có tivi, máy tính kết nối internet nên việc truy cập, theo dõi các clip trên mạng của trẻ em khá thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Thu, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Chim én (quận Long Biên) chia sẻ: "Tôi có hai cháu, một cháu học mầm non và một cháu học tiểu học - đều rất thích xem các kênh trên truyền hình và trên mạng internet. Khi có thông tin về clip dùng búp bê để “xin vía học giỏi”, tôi đã xem và thấy rằng, nội dung không phù hợp. Nếu trẻ học theo bằng cách cứ muốn gì thì chỉ cần khấn, cầu mà không cần nỗ lực rèn luyện, cố gắng thì sẽ rất nguy hiểm. Hy vọng rằng, cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý kiên quyết và nghiêm khắc, tránh những trường hợp tương tự".

Đề cập nội dung clip này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Việt Nam nhận định, nội dung clip dùng búp bê, dù là bất cứ loại búp bê nào, để “xin vía học giỏi”, là việc làm phản giáo dục, không có cơ sở khoa học và cũng không có căn cứ thực tiễn. Đây là một sản phẩm độc hại, không nên để lan truyền. Nếu đối tượng xem là người lớn thì sẽ hiểu rõ những nội dung tuyên truyền trong clip không có thật, phản tác dụng và sẽ không làm theo. Tuy nhiên, kênh này lại có đối tượng theo dõi phần lớn là trẻ em - lứa tuổi chưa nhận thức được đầy đủ mọi vấn đề trong cuộc sống, nên sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách và sự rèn luyện, phấn đấu của trẻ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có ngay biện pháp xử lý.

Chung sức xây dựng môi trường an toàn

Đây không phải lần đầu tiên các clip có nội dung không phù hợp, thậm chí mang tính độc hại được lan truyền trên mạng xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất an cho các bậc phụ huynh. Cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, để tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em, nhất là trong bối cảnh hiện nay - khi việc sử dụng mạng internet đã trở thành phổ biến, các hình thức giải trí cũng ngày càng đa dạng, thì cần nhiều hơn nữa sự chung sức của cả gia đình - nhà trường - xã hội trong việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, kịp thời ngăn chặn những nguy cơ xấu.

Đồng tình với việc cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp của nhiều lực lượng trong việc xây dựng môi trường an toàn, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, các gia đình có trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học cần tăng cường cảnh giác đối với các clip có nội dung không phù hợp với trẻ. Trước hết, với clip dùng búp bê để “xin vía học giỏi”, nếu cháu nào đã xem, các bậc phụ huynh cần giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu đúng và đầy đủ. Bên cạnh đó, gia đình cần theo dõi, giám sát và tìm hiểu thật kỹ các nội dung mà trẻ thường xem. Phía các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh, tăng cường sự gần gũi, hiểu được tâm tư, tình cảm của học sinh để kịp thời tư vấn, định hướng và hỗ trợ khi cần thiết.

Về phía nhà trường, bà Trần Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cho hay, nhà trường sẽ lưu ý giáo viên về clip này nói riêng và các hiện tượng tương tự để giáo viên nhắc nhở, phối hợp cùng phụ huynh của trẻ tăng cường quản lý trẻ ở nhà. Còn tại trường, ngoài các nội dung theo chương trình giáo dục chung, tùy theo lứa tuổi của trẻ, nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng cơ bản; nhắc nhở trẻ hạn chế xem các thiết bị điện tử để tránh có hại cho mắt; tăng cường rèn luyện thể chất để trẻ phát triển toàn diện.

Đề cập vấn đề quản lý, giáo dục học sinh nói chung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng năm 2021 và định hướng đến năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại đối với học sinh. Căn cứ theo yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học và lứa tuổi học sinh, nhà trường cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng cho học sinh, từ đó giúp các em biết chọn lọc thông tin hữu ích.

Ngày 11-3, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ - A03 (Bộ Công an) mời chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn lên làm việc.

Lý do cuộc làm việc liên quan đến một số clip mà người này đăng tải trong thời gian gần đây. Cụ thể, vào các ngày 25 và 27-2-2021, Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê lên mạng xã hội TikTok. Đáng chú ý, ở clip đăng ngày 27-2, Thơ Nguyễn cho biết mình thực hiện video dùng búp bê để "xin vía học giỏi" do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ". Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và nhận nhiều phản ứng lên án từ phía cộng đồng mạng. Hiện, cơ quan chức năng đã yêu cầu TikTok và YouTube gỡ bỏ các clip nói trên.

Thơ Nguyễn hiện sở hữu kênh YouTube Thơ Nguyễn với hơn 8,7 triệu người theo dõi. Sản phẩm của kênh YouTube này là các video có nội dung dành cho trẻ nhỏ.

Cũng theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong trường hợp Thơ Nguyễn không hợp tác, Cục sẽ đề nghị Google chặn kênh vi phạm vì có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng khuyến cáo phụ huynh, nếu thấy các nội dung không phù hợp cần có bộ lọc trước khi cho con em tiếp xúc...

Thanh Hà

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức chặn nội dung độc hại trên môi trường mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.