(HNM) - Khoảng 150.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, cho thấy, lĩnh vực này có số lượng lớn người lao động tham gia và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trên thực tế, công đoàn cơ sở không chỉ là chỗ dựa vững chắc, là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động mà còn là cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp. Điều đó được thấy rõ ở nhiều nơi, trong quá trình hoạt động, công đoàn cơ sở với vai trò tham mưu, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh; triển khai các phong trào thi đua sản xuất, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc.
Mặt khác, công đoàn cơ sở vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, giúp đỡ trong cuộc sống... Những yếu tố đó đã tạo được vị thế và sự tin tưởng của người lao động cũng như chủ doanh nghiệp với tổ chức công đoàn.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, công đoàn cơ sở gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ tại các doanh nghiệp FDI không chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động. Chưa kể, trình độ học vấn, chuyên môn chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai hoạt động công đoàn… Đơn cử như rất ít thỏa ước lao động tập thể có những điều khoản cao hơn so với quy định của pháp luật lao động. Trong khi vai trò của công đoàn cơ sở là phải làm tốt việc thương lượng với chủ doanh nghiệp để có thể ký kết những điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
Không thể phủ nhận vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở chính là linh hồn của các hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp FDI. Việc nâng cao vai trò, vị trí, tiếng nói của tổ chức công đoàn không tách rời nhiệm vụ nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn. Do vậy, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phải được chú trọng hơn.
Có một thực tế đang diễn ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là, cán bộ công đoàn nếu tạo được uy tín với người lao động thì lại dễ nảy sinh mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, dễ mất việc làm. Nhận thức được điều đó, bản thân cán bộ công đoàn cơ sở không chỉ nỗ lực rèn luyện giỏi chuyên môn mà còn phải tự học hỏi, cũng như được bồi dưỡng kỹ năng thương thảo, hiểu biết pháp luật để có thể tự tin đối thoại với chủ doanh nghiệp. Nếu cán bộ công đoàn biết vận dụng kiến thức về luật pháp vào quá trình làm việc thì chẳng những bảo vệ được chính mình, mà còn bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người lao động.
Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp công đoàn cơ sở tránh được sự đối đầu trực tiếp với chủ doanh nghiệp, chia sẻ áp lực, tăng thêm động lực và sức mạnh tinh thần cho tổ chức này. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở như hiện nay.
Cán bộ công đoàn cơ sở là người lăn lộn, hiểu được hoàn cảnh, "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như nắm chắc nguyện vọng, yêu cầu của người lao động. Chỉ khi nào cán bộ công đoàn cùng chung nhịp đập, hơi thở với người lao động, khi đó họ mới làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.