Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử về công tác chuẩn bị bầu cử.
Ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử. (Ảnh: Thái Bình/TTXVN) |
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử về công tác chuẩn bị bầu cử.
- Xin ông đánh giá công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22/5 tới.
Ông Phạm Minh Tuyên: Ngày 21/1/2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 1018/NQ-UBTVQH12 công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Có thể nói đây là ngày đầu tiên chính thức triển khai công tác chuẩn bị bầu cử nhưng thực chất, công tác chuẩn bị bầu cử đã diễn ra cách đây khoảng 4 năm, sau khi có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về điều chỉnh thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một ngày; kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật số 63/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai nhiều công việc ngay từ giữa năm 2010. Sau khi có Nghị quyết công bố ngày bầu cử, các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương đồng loạt triển khai các bước theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22/5/2011 đã được triển khai rất sớm, chuẩn bị chu đáo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở.
Đánh giá một cách tổng quát nhất, thấy rằng việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành đúng luật, dân chủ, lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, đại diện các ngành, đoàn thể tham gia để chỉ đạo tốt công tác bầu cử. Tính đến nay, có gần 100.000 tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập từ Hội đồng bầu cử ở trung ương, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, đến Tổ bầu cử và với hơn 1 triệu người tham gia trực tiếp.
Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp của Mặt trận Tổ quốc được tổ chức dân chủ, đúng luật, đảm bảo lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp để cử tri cả nước bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và 301.954 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 18/5/2011 là ngày cuối cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức để người ứng cử vận động bầu cử theo chương trình đã định.
Công tác tuyên truyền về bầu cử nhìn chung đạt kết quả tốt, đã đưa được những thông tin cần thiết tới người dân: ý nghĩa ngày bầu cử, quyền và nghĩa vụ công dân, thông tin về người ứng cử… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ báo chí, thông tin trên trang điện tử tới tuyên truyền bằng pano, áp phích, tuyên truyền miệng…
Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, chưa có những vấn đề lớn, một số biểu hiện nhỏ chỉ mang tính cá nhân, tự phát đã được điều tra, phát hiện, xử lý. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử và việc khiếu kiện đông người trong thời gian qua đã được các ngành, các cấp chỉ đạo giải quyết tương đối kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Để đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác về cuộc bầu cử, những nội dung cần lưu ý trong công tác tuyên truyền là gì, thưa ông?
Ông Phạm Minh Tuyên: Chỉ còn 4 ngày nữa là đến ngày bầu cử, các bước triển khai chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp về cơ bản là đúng tiến độ, nhiệm vụ trọng tâm bây giờ của công tác tuyên truyền là làm tốt mọi việc trong ngày bầu cử 22/5. Thời gian còn lại cần chú trọng tới các vấn đề sau:
Nội dung tuyên truyền hướng tới ngày bầu cử, cần tuyên truyền để nhân dân nhớ chính xác về ngày bầu cử, hiểu rõ ý nghĩa cuộc bầu cử, cử tri tự giác tham gia, có trách nhiệm cao với lá phiếu của mình. Tuyên truyền để nhân dân biết về những người ứng cử, từ đó có cơ sở lựa chọn đúng đắn. Ở một Tổ bầu cử, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân khoảng 15 người, do vậy, cần thông tin tới người dân sớm và tăng thời lượng giúp cử tri đánh giá được từng người ứng cử.
Coi trọng tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân 3 cấp Không nên quá tập trung vào tuyên truyền bầu cử một cấp nào. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có vị trí, vai trò quan trọng, đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của nhân dân cả nước, nhưng Hội đồng Nhân dân có vai trò quan trọng đối với nhân dân địa phương, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát hoạt động của Ủy ban Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương. Đồng thời, với cấp xã, cấp chính quyền cơ sở gần dân nhất cũng tránh chỉ chú trọng tuyên truyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình mà ít quan tâm đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp trên.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, càng gần ngày bầu cử càng cần chú trọng tuyên truyền để trong ngày bầu cử, cử tri “ghi nhớ” được thông tin. Để làm được việc này cần phải đa dạng các hình thức thông tin, ngoài băng rôn, khẩu hiệu, thông tin người ứng cử ở trụ sở cơ quan, nơi công cộng để người dân đến xem, rất cần tuyên truyền để cử tri có được thông tin về quá trình công tác, chương trình hành động của người ứng cử để có sự lựa chọn hợp lý. Các hình thức tuyên truyền cần quan tâm, chú trọng trong thời gian này là qua phương tiện thông tin đại chúng kết hợp tuyên truyền miệng, trao đổi, mạn đàm … thông qua nhiều kênh thông tin để tới từng gia đình.
Phù hợp với điều kiện từng địa phương, công tác tuyên truyền cần có sự vận dụng sáng tạo của cán bộ, nhân dân để phù hợp với điều kiện từng địa phương. Ví dụ như nơi có khu công nghiệp, nhiều công nhân, cần vận động các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động tại nơi công nhân thuê trọ bằng các hình thức giải trí thu hút người công nhân; với đồng bào dân tộc thiểu số, cần dịch nội dung cử tri cần biết như lý lịch người ứng cử, số người được bầu, quy định phiếu hợp lệ… ra tiếng dân tộc; tuyên truyền thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương...
- Xin ông cho biết những công việc trọng tâm của các cấp, các ngành cần thực hiện từ nay đến ngày bầu cử?
Ông Phạm Minh Tuyên: Có 5 việc trọng tâm cần quan tâm để thực hiện tốt: Một là chú trọng công tác tuyên truyền để cử tri đi bầu đủ, cử tri có đủ thông tin để lựa chọn những người xứng đáng, đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Như phần trên tôi đã nói, công tác tuyên truyền từ nay đến ngày bầu cử là rất quan trọng.
Hai là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan hữu quan ở địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc chuẩn bị bầu cử đạt kết quả tốt, ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân. Trong đó, những công việc sắp tới chủ yếu được triển khai ở khu vực bỏ phiếu với khoảng 91.000 tổ bầu cử, vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát cần phải cụ thể, tỉ mỉ từng việc nhỏ. Tiếp tục hướng dẫn chi tiết “cầm tay chỉ việc” cho thành viên tổ bầu cử, tránh bỏ sót những việc nhỏ.
Ba là đề phòng các tình huống ảnh hưởng tới ngày bầu cử, tháng Năm là thời gian thời tiết thuận lợi trong năm, dự kiến khí hậu trong tháng này mát hơn, ít có đợt nóng gay gắt. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, trong đó đề phòng mưa to ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây lũ quét và sạt lở đất, nhân dân đi lại khó khăn. Ngoài ra, cũng cần có phương án đề phòng tình huống bất trắc khác ảnh hưởng tới việc cử tri đi bỏ phiếu.
Bốn là làm tốt công tác trong ngày bỏ phiếu, theo quy định của pháp luật, việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra trong 12 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến 19 giờ ngày 22/5. Tuy nhiên, Tổ bầu cử phải làm công tác chuẩn bị từ trước 7 giờ sáng và có thể kiểm phiếu bầu cử ngay trong đêm, thời gian kéo dài. Mặt khác, chỉ một sự việc nhỏ xảy ra ở một khu vực bỏ phiếu cũng có thể ảnh hưởng tới cả đơn vị bầu cử, làm chậm ngày công bố kết quả bầu cử chung của cả nước. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo làm tốt công tác trong ngày bỏ phiếu, đặc biệt đảm là bảo an ninh-trật tự tại khu vực bỏ phiếu, đảm bảo phòng chống cháy nổ, an toàn xã hội chung trong địa bàn.
Năm là quan tâm tới công việc sau ngày bầu cử, không thể quan niệm cuộc bầu cử thành công khi kết thúc bầu cử ngày 22/5, bởi còn nhiều việc phải tiến hành ở cả địa phương lẫn trung ương, đó là: Làm tốt công tác kiểm phiếu bầu cử, tập hợp biên bản của các Tổ bầu cử, lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền kết quả, thành công của cuộc bầu cử; chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp…
Theo quy định của pháp luật, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội tổ chức chậm nhất là 60 ngày, của Hội đồng Nhân dân chậm nhất là 30 ngày (ở miền núi đi lại khó khăn thì chậm nhất là 45 ngày) sau ngày bầu cử 22/5.
Trong thời gian qua, Hội đồng bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở trung ương đã phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác chuẩn bị bầu cử, chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày bầu cử, lúc này cần phải tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành.
Công tác thông tin cần phải được thông suốt, chỉ đạo của Trung ương kịp thời lan tỏa xuống địa phương, tới cấp cơ sở, những vấn đề vướng mắc của từng địa phương cũng cần được giải quyết kịp thời. Chúng ta cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt kết quả tốt, đảm bảo đúng pháp luật, dân chủ, an toàn, tiết kiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.