Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế hoạt động thương mại biên giới

Anh Minh| 14/12/2013 06:34

(HNM) - Theo các chuyên gia, hoạt động biên mậu luôn có những đặc điểm, diễn biến khác hẳn với xuất nhập khẩu với đối tác quốc tế theo thông lệ. Đó là hoạt động giao thương tự phát từ lâu giữa các quốc gia chung biên giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong đời sống thương mại của quốc gia.


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, những năm qua thương mại biên giới giữa nước ta với các nước chung biên giới có nhiều chuyển biến tích cực; thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng; kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước bạn tăng liên tục với tốc độ cao. Các cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính được các bộ, ngành quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Chính phủ đã, đang đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới.

Từ năm 2008 đến hết tháng 9-2013 kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới đạt 72 tỷ USD, tăng bình quân hơn 10%/năm. Riêng năm 2012 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2008 và chiếm 5% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên 60 tỷ USD, Việt Nam - Lào lên 2 tỷ USD và Việt Nam - Campuchia lên 5 tỷ USD vào năm 2015.

Các chuyên gia nhận định, hoạt động biên mậu đã góp phần khuyến khích giao thương, nhất là đối với DN vùng biên với DN các nước láng giềng; củng cố quan hệ hợp tác kinh tế song phương một cách chủ động. Nhờ tăng cường hoạt động biên mậu, DN của ta đã tận dụng tốt hơn các thời cơ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng tổng hợp trong nước để phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện từng bước đối với sản xuất và đời sống cư dân biên giới cũng như sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Qua thời gian, vị trí, vai trò của thương mại biên giới được nhận thức rõ hơn đối với cả cấp lãnh đạo các địa phương biên giới cũng như cộng đồng DN, từ đó đóng góp liên tục, với quy mô trung bình hơn 10 tỷ USD/năm, vào kết quả xuất khẩu của cả nước. Bộ Công thương nhận định, với 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc, 10 tỉnh chung biên giới với Lào và 10 tỉnh giáp Campuchia thì giá trị thương mại biên giới sẽ còn nhiều "dư địa" để khai thác trong tương lai.

Tuy nhiên, theo đại diện một số địa phương thì việc quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới mang tính đặc thù nhưng vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế nên chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các tỉnh biên giới. Hơn thế, chính sách thương mại biên giới của các nước có chung biên giới thường xuyên thay đổi nên hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới của Việt Nam không chủ động, có lúc bị gián đoạn.

Đặc biệt, công tác điều tra, nắm tình hình và tư vấn xuất khẩu của cơ quan quản lý còn chưa theo sát được yêu cầu thực tiễn của DN, nhất là đối với những mặt hàng nông sản như dưa hấu, nhãn, vải… Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, nhưng khó thực hiện bởi theo mùa vụ và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết cũng như cách ứng xử của phía đối tác nhập khẩu. Cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều lần đoàn xe chở nông sản của ta kẹt cứng tại cửa khẩu. DN phải bỏ của quay về, chấp nhận thiệt hại nặng nề. Từ đó, cơ quan quản lý cần có biện pháp bảo vệ DN cũng như khuyến cáo các đơn vị nên tuân thủ triệt để các quy định về giao dịch hàng hóa xuất khẩu theo hướng chính ngạch; chủ động tránh tình trạng áp dụng cách thức buôn bán tiểu ngạch.

Đại diện một số tỉnh biên giới xác nhận, việc tái xuất hàng hóa chủ yếu diễn ra tại các cửa khẩu, lối mở là nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại còn hạn chế; thiếu hệ thống kho bãi và trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa; hệ thống giao thông chưa tốt, một số tuyến đường đang trong quá trình cải tạo nâng cấp nên đi lại khó khăn. Từ đó, chi phí vận chuyển hàng hóa khá cao, làm đội giá thành sản phẩm gây ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu. Hầu hết các khu kinh tế cửa khẩu, khu hợp tác kinh tế vùng biên thiếu vốn đầu tư, một số công trình dự án dở dang, chậm đi vào hoạt động nên ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư, hấp dẫn DN nước bạn thông qua hình thức hợp tác… Bên cạnh đó, hệ thống trang bị chuyên ngành đối với các lực lượng chức năng liên quan đến hoạt động biên mậu cũng chưa đồng bộ; đặc biệt là tình trạng thiếu dịch vụ hỗ trợ DN như thông tin, thanh toán qua ngân hàng, bảo hiểm, đóng gói và bảo quản hàng hóa, vận tải đa phương thức… cũng là nguyên nhân cản bước DN.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để cải thiện tình hình theo hướng toàn diện, thiết thực để hỗ trợ DN. Trong đó, nội dung quan trọng nhất, gồm xây dựng một số khu hợp tác biên giới Việt - Trung, phát triển chợ dọc biên giới Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Lào, cải tạo đường bộ kết nối với các cửa khẩu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế hoạt động thương mại biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.