Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa khai thác hết công năng các công trình VH-XH trọng điểm: Trách nhiệm thuộc về ai?

Việt Tuấn| 25/03/2014 07:05

(HNM) - Hà Nội có nhiều công trình văn hóa - xã hội trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Qua gần 4 năm đưa vào sử dụng, khai thác cho thấy, các công trình đã phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực.


Vẫn còn dang dở

Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) vừa tổ chức giám sát quản lý, khai thác, vận hành 4 công trình văn hóa - xã hội trọng điểm của Thủ đô gồm: Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội và Rạp Đại Nam. Đây là 4 công trình đến nay vẫn còn những tồn tại khiến cho chúng chưa thể phát huy hết công năng.

Bảo tàng Hà Nội, một trong những công trình chưa phát huy hết công năng thiết kế. Ảnh: Huy Hùng



Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm - Hà Nội) là công trình cấp đặc biệt được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 53.000m2 với số vốn gần 3.000 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Quy mô của bảo tàng to, đẹp, đầu tư hiện đại khiến ngay cả đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng của TP Hà Nội khi tiếp nhận công trình cũng choáng ngợp. Nếu sử dụng hết công suất, mỗi năm bảo tàng phải chi phí cho công tác vận hành hơn 20 tỷ đồng, trong đó riêng tiền điện một tháng tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Thế nhưng, qua gần 4 năm đưa vào khai thác sử dụng, công trình vẫn còn chưa quyết toán xong, quy hoạch chi tiết trưng bày các hiện vật theo các chủ đề, chuyên đề chưa hoàn thiện (mới hoàn thành 5/13 chuyên đề và chủ đề).

Theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, lý do chậm trễ liên quan đến việc mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, thiết kế chưa xong vì muốn thiết kế chi tiết trưng bày thì phải có hiện vật. Trong khi đó lực lượng cán bộ của bảo tàng mỏng, một số bộ phận chưa đáp ứng được nghiệp vụ, nên chưa thể điều hành toàn bộ, nhất là bộ phận kỹ thuật phải thuê các công ty bên ngoài. Cũng do chưa sắp xếp trưng bày hiện vật nên khách tham quan bảo tàng thưa thớt. Cụ thể: Năm 2010 có hơn 289.000 lượt, năm 2011 có gần 118.000 lượt, năm 2012 còn hơn 88.000 lượt và đến năm 2013 chỉ có gần 85.000 lượt (con số chưa cập nhật một số sự kiện phối hợp tổ chức trong khuôn viên bảo tàng).

Trong khi đó, Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu - Hoàn Kiếm), có tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2008, nhưng đến tháng 10-2012 mới quyết toán xong. Cũng vì lý do này nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng công trình. Hiện nay, hệ thống báo cháy và chữa cháy của công trình tê liệt; kho lưu giữ sách, báo ẩm thấp gây hư hỏng một số đầu sách; nhà vệ sinh xuống cấp… Dù nỗ lực thu hút, lôi cuốn bạn đọc bằng việc tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, giới thiệu sách chuyên đề, gặp gỡ tác giả - tác phẩm nhưng lượng bạn đọc đến thư viện cũng giảm. Năm 2011 có 300.000 lượt, đến năm 2013 có 192.000 lượt; năm 2011 cấp gần 8.500 thẻ bạn đọc, thì năm 2013 cấp 5.200 thẻ.

Tương tự, ở Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, một số hạng mục thiết kế không hợp lý, mới sử dụng được hơn 3 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh cho biết, dù có muốn sửa chữa cũng khó, vì chưa được chủ đầu tư là Sở LĐ-TB&XH quyết toán và bàn giao chính thức cho nhà trường. Trong khi đó, Rạp Đại Nam cũng chưa được quyết toán và bàn giao chính thức cho Nhà hát Chèo Hà Nội; một số gói thầu chưa hoàn thành; một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp; thiết kế, lắp đặt một số trang thiết bị chưa phù hợp, khó khăn cho công tác nghệ thuật, biểu diễn...

Cách nào tháo gỡ?


Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Thanh Long, hiện nay việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán gặp nhiều khó khăn, bởi một số công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thi công trong điều kiện gấp gáp về tiến độ, có công trình vừa xây dựng vừa bổ sung thiết kế. Bên cạnh đó, hầu như ngân sách tạm ứng cho nhà thầu đều sát giá trị công trình, nên mới nảy ra việc chậm quyết toán của các nhà thầu, một số hạng mục lắp đặt dở dang. Một số ít đơn vị thi công có biểu hiện dây dưa kéo dài; có thời điểm, ban quản lý dự án tìm nhà thầu ký văn bản cũng khó khăn.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khắc Lợi (đơn vị chủ quản của Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Rạp Đại Nam) cho rằng, sau khi đơn vị chủ quản phối hợp với chủ đầu tư cùng chủ động phối hợp tháo gỡ, đẩy nhanh quyết toán công trình để bàn giao chính thức, Sở Xây dựng cần phải rà soát lại các hạng mục, đánh giá thực trạng công trình hiện có, đề xuất sửa chữa, duy tu. Điều này thể hiện rõ việc gắn trách nhiệm của chủ đầu tư khi để công trình chậm trễ trong thanh, quyết toán, không bàn giao chính thức cho đơn vị sử dụng, khiến công trình xuống cấp. Về góc độ quản lý nhà nước, ông Lợi cũng thừa nhận, Bảo tàng Hà Nội chưa phát huy tiềm lực sẵn có. Hiện tại, Sở VH-TT&DL đang chỉ đạo bảo tàng quan tâm đến phần sưu tầm hiện vật, coi khâu này là quan trọng nhất, vì hoàn thiện khâu thiết kế trưng bày thì phải dựa trên cơ sở hiện vật đã có. Đối với Thư viện Hà Nội và Rạp Đại Nam, Sở VH-TT&DL cũng đồng tình cần phải coi trọng hệ thống PCCC, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa chính trị rất to lớn, là niềm tự hào của cán bộ và nhân dân Thủ đô. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại một số hạng mục các công trình chưa phát huy hết công suất sử dụng, gây lãng phí ngân sách. Mong rằng, những bất cập này sẽ sớm được giải quyết triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa khai thác hết công năng các công trình VH-XH trọng điểm: Trách nhiệm thuộc về ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.