Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chùa Keo và bài học quý về trùng tu di tích

Minh Tuyết| 09/04/2013 23:19

(HNMO)- Đến chùa Keo, huyện Vũ Thư (Thái Bình), du khách ngỡ tưởng di tích Quốc gia đặc biệt này trường tồn cùng thời gian mà không cần tới sự “can thiệp” của con người. Thực chất, chùa Keo mới trải qua cuộc đại trùng tu năm 2004 với nguồn kinh phí khiêm tốn (19 tỷ đồng).


Chùa Keo vẫn mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê dù đã qua nhiều lần trùng tu.



Di tích “hai trong một”

Gọi là chùa, nhưng chùa Keo (Thần Quang tự) rộng gần 6ha, gồm hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Theo sử sách, chùa được xây từ năm 1060, nhưng vào năm Tân Hợi (1611), một trận lụt lớn làm chùa bị trôi dạt, dân ấp Keo phải di dời đi 2 nơi. Một bộ phận định cư ở phía Đông Nam - hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định); một bộ định cư ở phía Đông Bắc - tả ngạn sông Hồng (nay thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Sau thời gian dài chuẩn bị, năm 1632, chùa Keo được tái tạo, khánh thành trên nền đất ở tả ngạn sông Hồng.

Khách tham quan gác chuông chùa Keo



Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể khẳng định chùa Keo (Thái Bình) là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” ở Việt Nam. Chùa hiện còn nguyên 102 gian, 12 toà chính là Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng điện và Gác chuông…Hơn thế, chùa được làm bằng 100% gỗ lim, khớp nối bằng mộc, chạm trổ tinh tế, bố trí hài hòa, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho người thưởng thức, khám phá nghệ thuật. Điển hình là bộ cánh cửa ở Tam quan nội, khi đóng bộ cánh cửa trở thành bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt, rộng 2,47m, cao 2,25 mét, thể hiện tính nghệ thuật cao của điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII. Gác chuông Chùa Keo làm theo kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng 12 mái với kết cấu gần 100 đàn đầu voi, làm nên vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng. Đây là công trình nghệ thuật có vẻ đẹp lộng lẫy, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam.

Bài học quý về quản lý, trùng tu di tích

Cũng như nhiều công trình kiến trúc gỗ khác, chùa Keo trải qua nhiều lần trùng tu, lần trùng tu gần đây nhất, lớn nhất là năm 2004.

Bộ cánh cửa ở Tam quan nội (chùa Keo), khi đóng trở thành bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt.



“Bí quyết” để di tích chùa Keo “nhuốm màu thời gian” sau khi trùng tu được ông Bùi Văn Thương, Trưởng BQL di tích chùa Keo chia sẻ: Quy trình trùng tu di tích chùa Keo được thực hiện nghiêm tức từ khâu lập đề án, lấy ý kiến các nhà khoa học đến giám sát thi công, nghiệm thu kết quả. Những người trực tiếp thi công các hạng mục của di tích luôn luôn được nhắc nhở phải giữ nguyên yếu tố gốc của di tích chuẩn theo kích thước 1/1, sử dụng triệt để các vật liệu tương đồng. Trên tinh thần đó, khi thấy không phù hợp, BQL di tích chùa Keo đã từ chối một số “mạnh thường quân” có lời đề nghị đầu tư kinh phí hoàn thiện các hạng mục phụ trợ của di tích. Ông Bùi Văn Thương kể: Năm 2009, một doanh nghiệp lớn có tâm đức đã đưa công nhân, máy móc về thi công nhưng doanh nghiệp này có nguyện vọng được sửa một vài chi tiết nhỏ trong bản thiết kế đã được duyệt. Thấy thế, tỉnh Thái Bình buộc phải yêu cầu doanh nghiệp ngừng thi công. “Dỡ bỏ công trình, mất hàng tỷ đồng trong khi di tích còn thiếu nhiều hạng mục ai cũng thấy lãng phí, song thà lãng phí còn hơn “vượt rào” xây dựng, phá vỡ không gian, cảnh quan di tích. Muốn giữ di tích phải biết “lắc đầu” khi cần thiết, đó là bài học kinh nghiệm xương máu của chúng tôi”- Ông Bùi Văn Thương nói.

Chuông đồng cổ trên gác chuông chùa Keo



Một điểm tiến bộ đáng ghi nhận ở chùa Keo là số hòm công đức không nhiều, tiền lễ, giọt dầu được để đúng chỗ, không có tình trạng nhét tiền lẻ vào tay phật, thắp hương ở gốc cây như nhiều di tích khác. Việc thu, chi công đức được tiến hành công khai, minh bạch. Phiếu thu công đức có đóng dấu, có số sêri, người nộp công đức vừa được nhận cuống phiếu với mệnh giá tương đương với số tiền nộp, vừa được ghi rõ ràng tên tuổi, địa chỉ vào sổ. Cuối ngày, BQL di tích cùng đại diện các cơ quan chức năng kiểm tra và khớp nối các khoản thu được xem có đúng với lượng phiếu phát hành hay không, sau đó nộp tiền vào kho bạc. Ông Bùi Văn Thương khẳng định: “Với khoản tiền công đức hơn 2 tỷ mỗi năm, các công trình phụ trợ của di tích chùa Keo sẽ dần dần được hoàn thiện. Năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện khu vệ sinh chung, sau đó là bãi đỗ xe, sân vườn bên trong”.

Từ điểm cao nhất của gác Chuông nhìn xuống, chùa Keo là một tổng thể công trình kiến trúc rất hài hòa.



Trong khi nhiều di tích đang bị xâm hại vì sự thiếu đồng bộ trong quản lý của địa phương thì việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước để trùng tu di tích, nói không với nguồn xã hội hóa không phù hợp ở di tích chùa Keo là trường hợp hiếm, đáng để chúng ta suy ngẫm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chùa Keo và bài học quý về trùng tu di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.