(HNM) - Trời nóng như đổ lửa những ngày qua càng cho thấy những "lá phổi xanh" sông, hồ quý giá như thế nào đối với cuộc sống chúng ta. Dù nhiều hồ nước Hà Nội đang được "cứu" thành công, nhưng mối lo về tương lai của chúng vẫn còn hiển hiện. Bởi cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết.
Chỉ tính riêng 10 quận nội thành Hà Nội đã có trên 100 hồ, ao với tổng diện tích khoảng 1.165ha. Nếu tính ra 19 huyện, thị ngoại thành, con số còn ấn tượng hơn rất nhiều. Hồ nước là điểm đặc trưng của đô thị Hà Nội. Góp ý cho Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các chuyên gia trong và ngoài nước đã gặp nhau ở điểm này. Họ đều mong, các hồ vốn từng làm Hà Nội lịch sử đằm thắm, sẽ làm Hà Nội tương lai rạng rỡ, lung linh. Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án cải tạo hồ của Hà Nội đã được thực hiện chính là hướng đến mục tiêu đó. Doanh nghiệp đã ủng hộ TP hàng trăm tỷ đồng để làm việc này. Nhìn những hồ nước được cải tạo, xử lý ô nhiễm thành công như hồ Ngọc Khánh, Kim Liên, ai cũng khấp khởi mừng vui. Nhưng đằng sau niềm vui, còn đó những mối lo không thể không nói tới.
Đó là các dự án cải tạo hồ được thực hiện vừa qua đang còn ít, chiếm tỷ lệ nhỏ so với số hồ cần được cải tạo, xử lý và bảo vệ. Chưa kể, những hồ này thường là nằm xa trung tâm, ô nhiễm nhẹ, ít phức tạp (âu cũng là vì dễ làm, dễ thành công, phù hợp với những nhà đầu tư xã hội hóa). Vì vậy, nhiều hồ vừa ô nhiễm nặng, vừa phức tạp (do lấn chiếm) ở trong nội thành vẫn chưa được xử lý. Đó là chưa kể, việc quản lý các hồ tiếp tục là bài toán khó, mỗi nơi một mô hình, một số địa phương chưa thống nhất được phương thức quản lý, thậm chí còn tình trạng "lắm sãi không ai đóng cửa chùa".
Nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là nước thải và rác thải. Rác thải phụ thuộc vào ý thức sinh hoạt, văn hóa sống của người dân, có thể điều chỉnh bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và công tác quản lý. Chừng nào còn đổ rác xuống hồ chứng tỏ những việc trên chưa được làm tốt. Nhưng nước thải sinh hoạt thì là chuyện bất khả kháng, vì Hà Nội chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ xuống sông, hồ. Hàng triệu người dân nội thành vẫn hằng ngày xả một khối lượng khổng lồ nước thải sinh hoạt xuống sông, xuống hồ. Với thực trạng này, Hà Nội có hàng trăm hồ, chứ có hàng ngàn hồ cũng khó thoát khỏi ô nhiễm môi trường. Việc xử lý ô nhiễm các hồ bằng công nghệ gì đi nữa, nhưng vẫn để hồ phải tiếp nhận nước thải thì việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở "phần ngọn". Chúng ta mới chỉ tạm thời làm nhẹ "cơn đau" của các hồ, trong khi thực tế, căn bệnh ô nhiễm vẫn còn bám chặt. Điều này cũng tựa như việc đầu tư dự án xử lý nước thải sinh hoạt ở cuối nguồn Yên Sở hiện nay.
Vì vậy, đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường các hồ đang ở mức báo động là rất cần thiết. Đầu tư cho quản lý và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng còn cấp bách và quan trọng hơn. Nhưng đầu tư xử lý ô nhiễm sông, hồ từ gốc mới là việc cần được quan tâm nhất cả trước mắt và lâu dài, mặc dù biết đó là việc rất khó. Nhưng khó cũng phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.