(HNM) - Lâu nay, bốn thủ pháp thăm khám cổ điển là nhìn, sờ, gõ, nghe thể hiện sự tiếp xúc trực tiếp giữa bác sĩ và người bệnh. Thế nhưng, gần đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã thúc đẩy sự chuyển dịch của một mô hình mới, đó là khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) dựa trên nền tảng công nghệ số. Qua đó, đã mở ra cơ hội cho bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các giáo sư đầu ngành và y, bác sĩ tuyến dưới cũng được nâng cao tay nghề, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa y tế các tuyến.
Tạo ra những kỳ tích…
Khác với những mùa xuân trước, xuân năm nay với gia đình bé N.T.T.V. (5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ) thật đặc biệt và ý nghĩa. Bởi lần đầu tiên kể từ khi V. chào đời, họ mới được chứng kiến bé có thể chạy nhảy, hát múa, cười đùa như bao đứa trẻ bình thường.
Cách đây 6 tháng, cô bé 5 tuổi, cân nặng 12,5kg này chỉ chạy, nhảy được vài phút là mệt, thở dốc và nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực. V. được phát hiện có lỗ thông liên thất từ khi 1 tháng tuổi. Những năm đầu đời, em chậm tăng cân, liên tục bị viêm phổi và viêm phế quản tái diễn nhiều lần. Cuộc sống của em và mẹ có lẽ gắn với bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Thế nhưng, sau cuộc phẫu thuật tim hở từ xa, kết nối giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Tim Hà Nội qua hệ thống Telehealth, dưới sự điều hành trực tiếp của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội vào tháng 8-2020, V. đã khỏe mạnh trở lại và được đến trường.
Nhớ lại thời điểm trước khi ca mổ diễn ra, mẹ của V. chia sẻ: "Thời điểm đó, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Lo lắng vì trước đó nhiều người khuyên gia đình nên đưa bé xuống Hà Nội để các chuyên gia, giáo sư phẫu thuật trực tiếp sẽ tốt hơn. Với quãng đường 100km từ nhà đến bệnh viện, việc đi lại, chăm sóc quá trình con trị bệnh sẽ mệt mỏi và tốn kém. May mắn, con đã được các chuyên gia hàng đầu ở Hà Nội hỗ trợ điều trị ngay tại quê nhà, không phải đi lại xa xôi...".
Giống với gia đình bé V., Tết năm nay, gia đình chị L.T.N. (ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có thêm thành viên mới, đó là một bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm được gần 6 tháng tuổi. Bé trai này được ví như một kỳ tích trong khám, chữa bệnh từ xa giữa Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Nhớ lại khi “đẻ rơi” trên xe taxi vào tháng 9-2020, chị L.T.N. kể, khi đang mang thai ở tuần thứ 28, chị có dấu hiệu chuyển dạ. Trên quãng đường tới bệnh viện, chị N. bất ngờ sinh non, bé trai chỉ nặng 1,1kg, sức khỏe rất yếu, suy hô hấp, phổi thông khí kém… và cơ hội sống chỉ còn 40%. Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu lập tức xin hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhờ được hướng dẫn cụ thể về phác đồ điều trị cho trẻ sinh non từ những người thầy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã giành lại sự sống cho bệnh nhi.
Nếu cách đây khoảng 5-6 năm, những trường hợp này ở tuyến dưới đều không cứu được, thì nay mọi chuyện đã khác. Bác sĩ Phạm Hồng Tươi, Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu chia sẻ: “Từ khi có hội chẩn trực tuyến, tôi và các đồng nghiệp tự tin hơn. Không chỉ cứu sống được nhiều bệnh nhân ngay tại địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên, mà trình độ của các y, bác sĩ tuyến dưới cũng được nâng lên”,
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ khi tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức kể về trường hợp một người dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên bị chấn thương sọ não, tình trạng bệnh nhân xấu đi, máu còn tụ lại ở một vị trí khác trong não. Ngay lập tức, qua hệ thống Telehealth, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, lần đầu tiên, các y, bác sĩ của tỉnh Điện Biên đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật sọ não khó như vậy.
“Trường hợp này, nếu đưa bệnh nhân từ Điện Biên về Hà Nội với quãng đường hơn 600km, thì bệnh nhân không có cơ hội sống sót. Trong khi chỉ cần 30 phút hội chẩn từ xa, chúng ta đã cứu sống người bệnh. Telehealth sẽ tạo ra nhiều kỳ tích như thế với nền y tế Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang tin tưởng.
Nâng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế
Chính thức khởi động từ tháng 6-2020, đến hết năm 2020, Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 đã kết nối được khoảng 1.500 điểm cầu trên cả nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 (Bộ Y tế) cho biết, không phải bây giờ ngành Y tế nước ta mới triển khai Telehealth, mà đã làm cách đây cả chục năm. Thời điểm đó, việc kết nối y tế giữa các tuyến thông qua điện thoại, sau đó hiện đại hơn là qua cầu truyền hình. Chỉ khi công nghệ Telehealth được triển khai, các bác sĩ đầu ngành cách xa hiện trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ki lô mét, mà vẫn có thể như đứng trực tiếp trong phòng mổ.
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, cùng với các thầy thuốc trực tiếp chiến đấu, giành giật sự sống bên giường bệnh, thì sự chi viện của các thầy thuốc giỏi ở mọi miền đất nước qua hệ thống Telehealth cũng vô cùng quan trọng, góp phần vào việc điều trị thành công cho các bệnh nhân nặng, như: Bệnh nhân Covid-19 thứ 19 (64 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) và bệnh nhân 91 - phi công người Anh. Quan trọng hơn, niềm tin của người dân vào hệ thống y tế Việt Nam được nâng lên. “Không chỉ dừng lại ở đó, Telehealth còn giúp y tế Việt Nam kết nối với thế giới, từ đó chất lượng vươn cao, vươn xa hơn… Dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức, song chúng tôi sẽ nỗ lực và tiếp tục hoàn thiện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, để mô hình khám, chữa bệnh từ xa ngày càng phát triển cần có sự quyết tâm của tất cả cơ sở y tế. Nếu chỉ có bệnh viện tuyến trên tích cực, còn bệnh viện tuyến dưới hoạt động theo hình thức, tham gia cho có thì sẽ không mang lại hiệu quả. Thậm chí, khi tham gia Telehealth, bệnh viện chỉ muốn khoe mình làm tốt, thì mô hình khám, chữa bệnh từ xa sẽ không có ý nghĩa. Trong khi trên thực tế, nếu triển khai thực hiện tốt mô hình khám, chữa bệnh từ xa sẽ nâng cao vị thế của bệnh viện tuyến dưới, giúp người bệnh yên tâm ở lại địa phương điều trị, không phải vượt tuyến.
Để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện tuyến trên duy trì các buổi hội chẩn hằng tuần với bệnh viện tuyến dưới. Mặt khác, bệnh viện tuyến trên tăng cường hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hội thảo từ xa để nhiều bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật..., nhằm thực hiện thành công đề án, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.