Không còn là một khẩu hiệu trừu tượng, chuyển đổi số đã và đang được cụ thể hóa bằng những hành động gần dân, thiết thực: Wifi miễn phí, phổ cập kỹ năng số, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công, thương mại điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân...
Những ý kiến từ lãnh đạo, chuyên gia, đoàn thể và chính người dân cho thấy chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà là hành trình chung của toàn xã hội - nơi ai cũng có thể học hỏi, thích nghi và cùng nhau tiến bước trong thời đại số.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến:
Chuyển đổi số là câu chuyện của con người
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà là câu chuyện của con người. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực của người dân. Việc xã hội hóa wifi, đưa internet miễn phí đến từng địa bàn dân cư, tổ dân phố chính là hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đó. Khi người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ công và các tài nguyên học tập trên môi trường mạng, họ sẽ tự tin hơn, chủ động hơn trong cuộc sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của quận. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để phong trào “Bình dân học vụ số” thực sự lan tỏa tại địa bàn quận Ba Đình.
TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VINASA:
Đích đến là xã hội học tập
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là phương thức chính để đất nước ta phát triển, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để làm được việc này, chúng ta triển khai xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, nếu người dân không có năng lực số phù hợp sẽ không thể chuyển đổi số thành công. Vì vậy, việc phổ cập kiến thức, kỹ năng, thái độ hay nhận thức cho toàn dân về công nghệ số nói chung, công nghệ AI và những công nghệ khác là cực kỳ cấp thiết và quan trọng.
Với phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay, có một đặc điểm cần lưu ý, đó là năng lực số là khái niệm rất “động”. Có thể hôm nay kiến thức, kỹ năng này là có năng lực, nhưng một thời gian sau lại trở nên lạc hậu và lạc hậu rất nhanh. Vì vậy phong trào “Bình dân học vụ số” nếu muốn đạt được tính bền vững, muốn thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì phải chuyển dần thành việc xây dựng một xã hội học tập nói chung. Điều này có nghĩa người dân phải ý thức được việc học liên tục thay vì học rồi, biết rồi là xong; hay các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền khi hoàn thành chỉ tiêu là hoàn thành nhiệm vụ. Theo tôi, đây là thách thức rất lớn. Phải xây dựng thành xã hội học tập, phải trở thành hệ giá trị. Khởi đầu là “Bình dân học vụ số”, nhưng đích đến cần là xây dựng được xã hội học tập.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội:
Thanh niên thắp sáng “Bình dân học vụ số”
Nếu như 80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” đã mang đến ánh sáng tri thức cho người dân trong thời kỳ đất nước mới giành độc lập, thì ngày hôm nay, phong trào “Bình dân học vụ số” tiếp tục là ánh sáng - ánh sáng của công nghệ, của hiểu biết số, soi đường cho người dân trong hành trình tiếp cận tri thức thời đại 4.0.
Thiết thực triển khai phong trào này, thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, kỹ năng số; hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội; hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; hỗ trợ và hướng dẫn người dân, hộ gia đình tham gia, nâng cao kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín; bảo mật thông tin; tập huấn sử dụng Chat GPT để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày...
Đặc biệt, chúng tôi đã áp dụng mô hình microlearning về dữ liệu hiệu quả trên nền tảng miễn phí, triển khai tới hơn 200 ngàn học viên trên địa bàn thành phố. Học viên khi tốt nghiệp được chia thành 10 cấp độ, tùy theo năng lực ứng dụng công nghệ dữ liệu, trong đó cấp độ cao nhất được đưa vào mô hình thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh) hỗ trợ xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh từ ý tưởng dành cho người không được đào tạo về lập trình với 50 sản phẩm dự kiến ra mắt vào tháng 5 này.
Vừa qua, tại các điểm dịch vụ hành chính công ở các quận Tây Hồ, Đống Đa và Nam Từ Liêm, lực lượng thanh niên cũng đã triển khai hỗ trợ người dân khi thực hiện các dịch vụ công trên các nền tảng số. Đây là một việc làm thiết thực vì một bộ phận người dân (người già, người khuyết tật, các nhóm dân cư chưa có khả năng tiếp cận với công nghệ) sẽ cần hỗ trợ để làm quen với các dịch vụ công, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền 2 cấp.
Để hoạt động này diễn ra được hiệu quả hơn nữa, bảo đảm sự huy động toàn diện và điều phối hiệu quả của thanh niên tại hệ thống các Trung tâm và Đại lý đồng loạt đi vào hoạt động, chúng tôi mong muốn được phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hành chính công, trong đó có phân công, phân nhiệm rõ ràng và tập huấn các đối tượng thanh niên một cách có hệ thống, để lực lượng này tập trung phục vụ đúng vai và hiệu quả.
Bà Trần Ngọc Lan, 82 tuổi (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân):
Tuổi già không ngại công nghệ
Trước đây, tôi nghĩ rằng công nghệ chỉ dành cho người trẻ vì rất phức tạp, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng, tuổi tác không phải là rào cản để học hỏi.
Nhờ tự học hỏi và được các cháu sinh viên hướng dẫn, tôi đã nắm bắt được cách sử dụng điện thoại thông minh từ vài năm nay. Chiếc điện thoại thông minh nhỏ bé đã giúp tôi kết nối với thế giới bên ngoài và mang lại cho tôi nhiều tiện ích, giúp tôi thay đổi tư duy và cách sống. Những việc như chụp ảnh, viết nội dung, quay clip “up” lên facebook, cả livestream nữa, tôi tự làm tốt cũng như việc gọi video call với các con gái ở Nga, Đức hay các anh chị em bạn bè ở khắp mọi nơi. Tôi cũng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến để thực hiện các giao dịch một cách dễ dàng hơn như nộp tiền điện, tiền nước online qua ứng dụng ngân hàng... Đặc biệt, tôi còn được trang bị kiến thức an toàn thông tin trên không gian số để tránh bị lừa đảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.