(HNM) - Sáng 16-3, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đối thoại trực tuyến với nhân dân. Hàng loạt vấn đề nóng xung quanh phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (áp dụng từ ngày 15-4), được người dân cả nước quan tâm.
Bệnh viện tự tìm cách chống "ngã bệnh"
Trước khi xây dựng khung viện phí mới, Bộ Y tế đã công khai lấy ý kiến đóng góp của người dân và các bộ, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, trong buổi trả lời trực tuyến, vẫn có nhiều câu hỏi đề nghị Bộ trưởng giải thích tại sao có sự điều chỉnh này, nhất là vào thời điểm "bão giá" như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là yêu cầu rất bức thiết, lẽ ra phải được làm từ lâu bởi khung giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995 chỉ bao hàm một phần giá dịch vụ, ngay một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay đã tăng 6,9 lần, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo thị trường. Mức thu phí dịch vụ thấp đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh (KCB).
Viện phí tăng sẽ tác động nhiều đến người nghèo. Ảnh: Đàm Duy |
Thực tế, không phải người dân không hiểu về tính tất yếu phải thay đổi giá dịch vụ y tế vốn đã không còn phù hợp. PGS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt-Đức kể câu chuyện cũ: một cựu chiến binh từ tỉnh xa đến BV, muốn được các bác sĩ giỏi khám nhưng lại thắc mắc tại sao BV chỉ thu ít tiền, sợ như thế thì chỉ có sinh viên y khoa ra "hành hạ" chứ làm gì có bác sĩ giỏi khám với giá ấy. Điều này cũng thể hiện rõ ngay trong câu hỏi của ông Đặng Văn Thúy ở Kiến An, Hải Phòng: "Dù mức viện phí đã cũ, đã rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách nhà nước cấp ngày càng eo hẹp, nhưng vì sao các BV vẫn chưa "ngã bệnh" và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã bao giờ nhận được báo cáo lỗ của BV nào chưa?". Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, tình trạng BV bị lỗ xảy ra rất nhiều, thậm chí nhiều BV đang "hấp hối". Các BV đều phải co kéo từ khoản này sang khoản khác, ảnh hưởng nhiều đến việc duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường… Trong điều kiện kinh phí nhà nước không đủ nên các BV đã phải tự cứu mình, chống "ngã bệnh" bằng chủ trương xã hội hóa để thu hút nguồn đầu tư, từ đó có thêm kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực giỏi, nâng cao chất lượng KCB.
Xem ra, việc tăng viện phí này đang như một "liều thuốc" mạnh để cứu các BV khỏi "ngã bệnh".
Giúp đỡ người nghèo thông qua bảo hiểm
Khi khung giá dịch vụ y tế mới được áp dụng, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế thì điều đó sẽ không ảnh hưởng đến phần lớn người bệnh, đặc biệt là không tác động tới 53 triệu người (chiếm 62% dân số) đã có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Và không phải các BV sẽ thu ngay theo mức tăng tối đa. Với khung giá có mức tối đa, tối thiểu thì tùy theo tình hình Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các BV tuyến trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các BV thuộc địa phương trong phạm vi khung giá. Như vậy, nhiều BV sẽ chỉ được thu ở mức trung bình của khung giá mới. Riêng với người nghèo, hiện Nhà nước đã hỗ trợ 95% và người cận nghèo trong năm nay sẽ được hỗ trợ mức đóng BHYT là 75% theo Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… sẽ được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng xét nghiệm tại các BV, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm hình thức chi trả dịch vụ y tế tiên tiến nhất hiện nay là theo ca bệnh ở 4 nhóm bệnh, tới đây sẽ xây dựng thêm hình thức chi trả với một số nhóm bệnh khác và triển khai rộng hình thức này trên cả nước. Bộ trưởng đề nghị các BV nên lập Hội đồng giám định để thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động KCB. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiện tượng BV "xé rào", tăng giá KCB khó xảy ra đối với người bệnh có thẻ BHYT vì đã có khung giá cụ thể. Điều đó chỉ có thể xảy ra với người bệnh khám theo hình thức dịch vụ, vì khi đã tự nguyện khám dịch vụ thì ít nhất BV sẽ phải thu đủ chi phí KCB.
Người dân xếp hàng đóng viện phí tại Bệnh viện Tai Mũi Họng. Ảnh: Như Ý |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Rút dần đầu tư công, “nhường” cho khu vực tư nhân
Cụ thể, việc cấp vốn đầu tư công thời gian tới sẽ chỉ nhằm vào những dự án, công trình phục vụ quốc kế dân sinh, dịch vụ công cộng và những lĩnh vực mà khu vực tư nhân chưa sẵn sàng hoặc không muốn làm; tránh việc dành vốn nhà nước cho dự án mà tư nhân có thể làm được; tăng cường cơ chế xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là áp dụng mô hình công - tư trong đầu tư theo hướng cởi mở và phù hợp với năng lực của các bên; khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong và ngoài nước. Hiện, tỷ trọng vốn nhà nước trong đầu tư công đang giảm dần, dự tính sẽ chiếm khoảng 37-39% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Đây sẽ là bước chuyển mạnh mẽ, với tinh thần quyết liệt bởi mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước luôn chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư xã hội trong những giai đoạn trước. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguồn vốn nhà nước luôn có hạn và nhìn chung vẫn trong tình trạng thiếu nên càng cần sự chia sẻ từ các nguồn khác. Nhà nước sẽ rút dần trong đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực để "nhường sân" cho khu vực tư nhân, chỉ giữ lại một số lĩnh vực then chốt, có tính chất sống còn của nền kinh tế, để bảo đảm chiến lược an ninh năng lượng, dịch vụ công hoặc quốc phòng. Hồng Sơn |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.