(HNMO) - Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo luật chi phối và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động bảo hiểm, do đó cần tuyên truyền để người dân hiểu đúng bản chất các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể được quy định trong dự thảo luật.
Phát biểu thảo luận ở tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Đoàn Hải Phòng) cho biết, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này được thực hiện sau 20 năm triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn…
Liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bảo đảm phát triển cân đối hài hòa, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm, kể cả nhân thọ và phi nhân thọ, bảo hiểm và tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô. Trong bảo hiểm phi nhân thọ thì cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…
Còn về hợp đồng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục rà soát vấn đề này theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ). “Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cả hiệp hội kinh doanh bảo hiểm bảo vệ quyền lợi. Còn người tiêu dùng trong tình huống đặc thù này, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp chưa nắm rõ được cụ thể. Do đó cần phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Cụ thể, cần xác lập một mối quan hệ hợp đồng bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp.
Về vấn đề trên, đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) cho rằng, trên thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện ra bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua. Về trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ của mình khi mua hợp đồng bảo hiểm. Bởi thực tế cho thấy, hợp đồng rất dày nhưng quyền đặt ở vị trí phía dưới nên nhiều khi người mua không biết hết được quyền của mình.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), thị trường bảo hiểm đang tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều lao động mất việc làm đã chuyển sang học nghề và bán bảo hiểm. Vì thế, dự thảo luật sửa đổi không nên quy định rõ các đại lý được làm việc với bao nhiêu doanh nghiệp bảo hiểm để qua đó thúc đẩy thị trường này phát triển. Đại biểu cũng kiến nghị cần gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đào tạo để họ tư vấn phù hợp, đầy đủ với khách hàng, tránh tình trạng xảy ra khiếu kiện sau này vì thiếu hiểu biết.
Nhấn mạnh kinh doanh bảo hiểm là một ngành quan trọng, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) đề nghị việc có quy định pháp luật cụ thể phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi phát triển thị trường bảo hiểm. Liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, đại biểu nêu ví dụ nhiều khách hàng mua được năm thứ 2, năm thứ 3 rồi không đóng tiếp sẽ bị thiệt rất nhiều khi hợp đồng không quy định rõ đâu là mức phí, đâu là bảo hiểm. Cùng với đó là vấn đề trục lợi bảo hiểm trong thời gian qua đã xảy ra, thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp bảo hiểm mà với cả xã hội.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) cũng đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người mua bảo hiểm và lợi ích quốc gia, bởi khi xảy ra phá sản, dừng hoạt động thì quyền lợi của người mua bảo hiểm sẽ ra sao?
Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất phong phú, đất nước rất cần nguồn vốn từ lĩnh vực này, kinh doanh bảo hiểm vẫn tiềm năng nên cần được tạo điều kiện về mặt pháp luật, giúp giảm gánh nặng của chính phủ về bảo hiểm hiện nay trong bảo hiểm y tế.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần có sự phân biệt giữa bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) với bảo hiểm có tính chất kinh doanh, bởi khi kinh doanh là có cạnh tranh. Trong đó, có bảo hiểm nhân thọ là một loại hình bảo hiểm kinh doanh nên người mua có quyền được hướng dẫn những rủi ro tổn thất, còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.