Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng đào tạo thợ lành nghề, bậc cao

Ngân - Hiền| 01/05/2021 06:11

(HNM) - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, sau khi ra trường, hơn 80% số người học nghề có việc làm với mức thu nhập tốt. Từ những tín hiệu tích cực này, Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo thợ lành nghề, thợ bậc cao nhằm tạo đột phá trong giáo dục nghề nghiệp cũng như chuyển biến nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội.

Lập thân, lập nghiệp

Xác định rõ, để tìm được việc làm ổn định, con đường khả thi hàng đầu là phải học nghề bài bản. Do đó, thời gian qua, nhiều học sinh Thủ đô sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã lựa chọn các ngành thị trường lao động đang cần để theo học nghề.

Vốn yêu thích trẻ nhỏ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (năm 2020), chị Đinh Thu Phương (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) đăng ký học Khoa Hộ sinh, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. “Sau khi học xong, tôi sẽ nộp hồ sơ xin việc ở các bệnh viện tư nhân đang phát triển khoa sản theo hướng chú trọng chăm sóc toàn diện cho mẹ và bé”, chị Phương cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hải Châu, sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đăng ký học ngành chăm sóc sắc đẹp, với mong muốn ra trường đi làm, tự nuôi sống bản thân, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, vốn trước khi thực hiện kế hoạch tự mở cửa hàng chăm sóc sắc đẹp.

Còn chị Tạ Thị Thanh Thanh, sinh viên năm thứ hai Khoa Marketing, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Trong lần thực tập đầu tiên tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển G6, tôi đã “chốt sale” - bán thành công một sản phẩm. Đây là động lực để tôi tiếp tục hoàn thành khóa học, ra trường có thể thích nghi với môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp”.

Cũng theo chị Thanh, chị cũng như nhiều sinh viên khác đều rất hài lòng với việc nhà trường tổ chức mô hình vừa học, vừa làm: Bố trí học 1 buổi/ngày, buổi còn lại để sinh viên đi làm thêm. Mục đích không chỉ mang lại thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, mà còn giúp các sinh viên làm quen và rèn luyện các kỹ năng về kỷ luật, thái độ, tác phong làm việc.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2020 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội, 362 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô trong năm 2020 đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 218.848 người (đạt 104,21% so với kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,25% (kế hoạch đề ra là 70,2%)… Đặc biệt là, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, hơn 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng tạo ra thu nhập cao hơn.

Các thí sinh thi nghề tự động hóa tại Hội đồng thi Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, tháng 10-2020. Ảnh: TTXVN

Đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn chú trọng việc tăng cường mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đây được coi là giải pháp quan trọng để đào tạo những thợ lành nghề, bậc cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn.

Hiện, đã có 88 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp hợp tác với 844 lượt doanh nghiệp theo nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Đối với 21 trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc thành phố, 100% các đơn vị thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp (đạt tỷ lệ 90%). Đặc biệt, một số ngành nghề, như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử…, 100% học viên, sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng, với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/tháng/người.

Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và hợp tác đào tạo (Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội) Tạ Ngọc Hà cho biết, nhà trường đang hợp tác với 50 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo đó, tỷ lệ học viên, sinh viên có việc làm ngay sau năm thứ hai ước đạt trên 25% và tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 97%.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2021 được 220.500 lượt người; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó thợ lành nghề, bậc cao theo hướng ứng dụng, thực hành đạt 55-60%...

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết, hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, Sở sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác, như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, qua đó gỡ bỏ dần tâm lý của phụ huynh muốn con, em học đại học; phân bổ chỉ tiêu hợp lý để đẩy mạnh phân luồng học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng trường chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng đào tạo thợ lành nghề, bậc cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.