Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước

Theo Tin tức| 08/07/2020 15:54

Tiếp tục chương trình làm việc tại Bình Phước, ngày 8-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước. Cùng tham dự có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Sau khi nghe báo cáo, thảo luận, phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Bình Phước tuy là vùng đất được hình thành sau so với các địa phương khác trong cả nước nhưng là tỉnh có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước đã luôn nêu cao tinh thần đấu tranh quật khởi, không sợ hy sinh, gian khổ, có nhiều đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc. Tỉnh có các địa danh không thể nào quên như Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết - nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sóc Bom Bo - nơi trở thành biểu tượng của phong trào góp gạo nuôi bộ đội...

Tốc độ tăng trưởng cao

Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, qua hơn 23 năm xây dựng kể từ ngày tái lập tỉnh (năm 1997), với xuất phát điểm rất thấp, đến nay Bình Phước đã “bật lên” và đang có sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, rất đáng trân trọng. 

So với nhiệm kỳ trước, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, quy mô nền kinh tế đã tăng 1,64 lần, GRDP bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt 67,3 triệu đồng (khoảng 3.000 USD), tăng gấp 1,54 lần. Cho rằng, hiện đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh chú ý thực hiện những chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

So với giai đoạn 2011-2015, hiện nay, tỉnh đã thu hút được 800 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần về số dự án, hơn 3 lần về số vốn đăng ký và 146 dự án FDI với số vốn đăng ký 1 tỷ 440 triệu USD, tăng hơn 2 lần về số dự án, gần 3 lần về số vốn đăng ký. 

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo của tỉnh được quan tâm, đổi mới, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (60/90 xã, 2/11 huyện đạt chuẩn so với chỉ tiêu là 50% số xã, một huyện). 

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Các thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Quy mô giáo dục được mở rộng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng cao trình độ; giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố, nâng cao; chú trọng kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chú trọng, tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thành Đề án 999 với mục tiêu “4 giảm, 4 tăng”. Kết quả sau 2 năm thực hiện, bộ máy đã tinh gọn hơn. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Hoạt động của chính quyền địa phương có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.  

Sáu tháng đầu năm 2020, do tác động lớn của đại dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, linh hoạt, thực hiện tốt hai nhiệm vụ: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, là tỉnh giáp biên giới nhưng Bình Phước không để xảy ra trường hợp mắc Covid-19 là kết quả đáng ghi nhận. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực như: Tăng trưởng kinh tế đạt 5,31%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao; thu hút FDI tăng 42,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,65% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 85,6%. Tỉnh kịp thời chi trả hỗ trợ trên 68,45 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội XIII của Đảng được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm đúng quy định. Đến nay, 100% tổ chức cơ sở Đảng, 6/21 đảng bộ cấp huyện và tương đương tổ chức đại hội. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Phước về những kết quả đạt được nêu trên…

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với những nhìn nhận thẳng thắn của tỉnh Bình Phước về một số khó khăn, hạn chế như đã được nêu trong báo cáo; đồng thời đề nghị tỉnh có giải pháp quyết liệt để khắc phục hạn chế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Căn cứ vào Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức tốt đại hội các đảng bộ cấp huyện còn lại để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; nâng cao chất lượng các văn kiện, bám sát định hướng chung của Đảng, sát với thực tiễn của Bình Phước và yêu cầu tiếp tục phát triển của tỉnh nhà, có tính khả thi; chuẩn bị tốt công tác nhân sự để giới thiệu cho đại hội bầu, đưa những người thực sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất vào đội ngũ cấp ủy khóa tới. "Bình Phước hiện có 16 cán bộ nữ nằm trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đây là điểm sáng của địa phương về cơ cấu nam, nữ trong đội ngũ lãnh đạo", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Trước mắt, Bình Phước cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về thuế, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới, Bình Phước cần chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, giá trị gia tăng lớn. Cùng với đó Bình Phước tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng chế biến sâu trong sản xuất công nghiệp; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. 

Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tập trung phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã; tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững…

Là tỉnh đóng vai trò cầu nối, cửa ngõ lên Tây Nguyên, Bình Phước cần thúc đẩy liên kết vùng để có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc và cùng nhau phát triển dựa trên lợi thế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, Bình Phước cần phát huy lợi thế về cửa khẩu với Campuchia, vị trí cầu nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để phát triển thương mại, dịch vụ, logistics.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh tập trung bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quan tâm giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động sớm quay trở lại làm việc, ổn định cuộc sống. 

Bình Phước cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện gói an sinh bảo đảm hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân một cách kịp thời, đúng đối tượng, tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách. Tỉnh cần tận dụng tốt các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.  

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bình Phước cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến việc phát triển văn hóa, thể thao, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển.

Đối với 3 đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; trong đó có quy hoạch khoảng 70.000ha để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng 3 khu công nghiệp; sớm triển khai tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông, đường sắt Hoa Lư - Dĩ An - Thị Vải, tuyến đường kết nối đến Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và bố trí vốn cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn công tác ghi nhận đề xuất của tỉnh, đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương có liên quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi phát biểu tiếp thu các ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời cho biết, là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên xuất phát điểm còn thấp, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước luôn cố gắng, khắc phục những yếu kém, tồn tại. Trước đây là ở thế phòng ngự, nay tỉnh "chủ động tiến công", từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút phát triển công nghiệp...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nêu rõ quyết tâm của tỉnh trong đẩy mạnh đầu tư sâu cho giáo dục, thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên, nhất là chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh, xây dựng điểm trường công lập dạy song ngữ để nhân rộng. “Bình Phước quyết liệt lo phát triển nguồn nhân lực, tập trung cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nêu rõ.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác đi thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Tần (sinh năm 1923) và thương binh Nguyễn Viết Mấu, cùng trú tại thành phố Đồng Xoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.