Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Quốc hội dự lễ tưởng niệm 60 liệt sỹ thanh niên xung phong tại Thái Nguyên

Theo (TTXVN/VIETNAM+)| 21/12/2018 22:55

Tối 21-12, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ, tiến hành Lễ dâng hương, dâng hoa, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, hy sinh đêm 24-12-1972.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ dâng hương tưởng niệm 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái hy sinh đêm 24/12/1972. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Cùng dự chương trình có các đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ-chiến sỹ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đại diện 60 gia đình liệt sỹ Đại đội Thanh niên xung phong 915, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi hoa tưởng niệm 60 liệt sỹ Đại đội Thanh niên xung phong 915.

Ngay sau Lễ dâng hương, ghi Sổ vàng lưu niệm tại Nhà tưởng niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: "Đời đời ghi nhớ công ơn của 60 đồng chí thanh niên xung Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân."

Đọc Diễn văn tại Chương trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết Đại đội 915 được thành lập vào tháng 6/1972 thuộc Đội thanh niên xung phong 91 Bắc Thái với 102 cán bộ, đội viên, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa lập gia đình, là con em đồng bào dân tộc thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Đơn vị có nhiệm vụ hàn gắn các tuyến đường do chiến tranh gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến đấu ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất và vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ qua ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, để đưa vào chiến trường miền Nam.

Khi đế quốc Mỹ mở Chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 cuối tháng 12-1972, tại ga Lưu Xá còn tồn đọng hàng vạn tấn hàng hóa quốc phòng, đang rất cần cho chiến trường.

Sáng 24-12-1972, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 lên đường với tâm thế của những người lính ra trận; các chị, các anh đã bắt tay vào làm nhiệm vụ, chạy đua với thời gian; đến chiều tối cùng ngày, số hàng hóa được giải tỏa an toàn.

Sau một ngày làm việc quên mình, cả đơn vị chưa kịp ăn cơm thì nhiều tốp máy bay B52 ào tới, trút bom dữ dội, Lưu Xá chìm trong bom đạn; 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái cùng một số lực lượng khác và người dân đã anh dũng hy sinh...

Sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel năm 1972 đã đi vào lịch sử, trở thành khúc tráng ca bất tử của vùng đất thép.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, toàn thể các đại biểu và nhân dân có mặt tại Chương trình đã kính cẩn nghiêng mình dành một phút tưởng niệm các liệt sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thân ái gửi lời thăm hỏi ân cần và tình cảm chân thành nhất đến các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là cầu nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với chiến khu Việt Bắc. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi đây để đặt một trong các An toàn khu. Và cũng chính tại mảnh đất này, đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giao cho Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập lực lượng thanh niên xung phong nhằm mục đích “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của thế hệ trẻ, xung kích phục vụ kháng chiến thắng lợi,” là “trường học lớn” đào tạo các cán bộ của Đảng, Nhà nước. Ngày 15/7/1950, tại đồi Gò Thờ, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đội thanh niên xung phong Trung ương đầu tiên đã được thành lập với 225 đội viên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan Nhà tưởng niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng thanh niên nói chung, trong đó có thanh niên xung phong. Ngày 20/3/1951, trong chuyến thăm Liên phân đội thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (tỉnh Bắc Kạn), Người đã tặng lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.” Những câu thơ của Bác đã trở thành định hướng tư tưởng, giáo dục, rèn luyện nghị lực cho lực lượng thanh niên xung phong và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam.

Từ đó đến nay, lực lượng thanh niên nói chung, thanh niên xung phong nói riêng đã luôn khẳng định được vai trò tiên phong đi trước, không quản gian khổ, hiểm nguy, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng dũng cảm hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Không chỉ vinh dự là nơi ra đời đầu tiên của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, Thái Nguyên cũng là một trong những nơi sớm thành lập lực lượng thanh niên xung phong tập trung. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng vạn người con của Thái Nguyên-Bắc Kạn đã tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng thanh niên xung phong đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, trong đó có nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử, mà điển hình là sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 vào đêm Noel (24/12/1972) tại khu vực ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên.

Đây cũng là thời điểm khốc liệt nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hòng làm thay đổi kết cục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong vào đêm 24/12/1972 là sự mất mát to lớn nhất về người của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong cùng một khoảnh khắc về thời gian...

“Hôm nay, chính tại mảnh đất thiêng liêng này, chúng ta tổ chức Dâng hương tưởng niệm 60 liệt sỹ thanh niên xung phong và công bố đưa vào sử dụng công trình tu bổ, tôn tạo Khu Di tích Quốc gia Đại đội thanh niên xung phong 915. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa để tri ân đối với những cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong - những người đã không sợ hiểm nguy, không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và ghi nhận cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn, cùng sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đầu tư tu bổ, tôn tạo mở rộng công trình khang trang, sạch đẹp, xứng tầm để tri ân các Anh hùng Liệt sỹ thanh niên xung phong và trao tặng 70 sổ tiết kiệm trị giá 700 triệu đồng cho những gia đình liệt sỹ, các thương, bệnh binh thanh niên xung phong Đại đội 915 còn sống sau trận bom đêm 24/12/1972, tại khu vực ga Lưu Xá. Đây là những việc làm rất đáng trân trọng, phù hợp với truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Với những hy sinh, mất mát to lớn đó, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Điều đó luôn nhắc chúng ta càng phải kiên quyết hơn để bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Việc tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc không dừng lại ở những khẩu hiệu, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm lo tốt hơn về cả đời sống vật chất và tinh thần cho các thương, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng,," Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong những năm qua, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và theo hướng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; thu ngân sách, thu hút đầu tư, giá trị xuất khẩu và cải cách hành chính của tỉnh có những bước tiến vượt bậc; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua; tin tưởng rằng với truyền thống của vùng đất chiến khu cách mạng, thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vươn lên về mọi mặt để xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ngày càng được ấm no, hạnh phúc, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy qua những lần về thăm tỉnh.

Phát biểu đáp từ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; đồng thời khẳng định Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nguyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đưa Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, trung tâm Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn, trung tâm vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Tiếp theo là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Đại đội thanh niên xung phong 915 - Khúc tráng ca bất tử” với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, tái hiện một cách chân thực về sự ác liệt của chiến tranh, về tuổi trẻ và sự hy sinh đầy quả cảm của những liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915 Anh hùng.

Khu di tích lịch sử quốc gia thanh niên xung phong Đại đội 915

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội dự lễ tưởng niệm 60 liệt sỹ thanh niên xung phong tại Thái Nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.