Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022), sáng 18-5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ và thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; phát động Chương trình "Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội".
Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ; đông đảo cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Công trình Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ nằm trên đồi F, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Di tích đồi F là 1 trong 45 điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ nằm liền kề với Di tích đồi A1. Tổng thể đền thờ được xây dựng trong khuôn viên 50.000 m2, có kiến trúc vừa truyền thống, vừa hiện đại của công trình du lịch văn hóa, tâm linh. Công trình có tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, được đầu tư từ hai nguồn vốn là vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt 90 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương.
Các hạng mục chính là đền thờ chính, nhà Tiền tế, các nhà Tả vu, Hữu vu, nhà dịch vụ. Trong đó, đền thờ chính xây dựng trên diện tích trên 300m2, kết cấu bê tông cốt thép đổ toàn khối, kết hợp hệ kết cấu gỗ theo kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói, nền nhà và bậc lát đá granit. Không gian tĩnh của đền thờ gồm sân và hồ tĩnh tâm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, có ý nghĩa tạo sự tập trung, tĩnh tâm trước khi đến với không gian tâm linh, diện tích sân là 870m2. Ở giữa sân bố trí 56 cây đèn tạo hình ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, quân và dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Máu đào và sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ đã tô thắm màu cờ Tổ quốc, để cho đất nước ta “Nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Chủ tịch nước nên rõ: Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật quân sự mang tên Việt Nam, kỳ tích trong chiến tranh chống ngoại xâm; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; với “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, tất cả đã tạo nên “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Như trong sổ cảm tưởng ở Bảo tàng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới".
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn" bằng các cơ chế, chính sách cũng như các công trình, dự án cụ thể để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...
Do đó, Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến Điện Biên.
Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình này một cách hiệu quả, thiết thực. Cùng với Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là nơi giáo dục truyền thống mà còn là điểm nhấn về văn hóa, kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng, phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Điện Biên ngày càng phát triển, từng bước xác lập vị trí là trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Mặc dù Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Chủ tịch nước đánh giá cao việc tỉnh thực hiện Chương trình "Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội" kêu gọi được trên 150 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 3.000 hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn huy động được trên 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình đảm bảo an sinh xã hội, đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa để giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ Chương trình "Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội", góp phần xóa bỏ những căn nhà dột, nát trên địa bàn tỉnh Điện Biên và hoàn thành nhiều công trình phúc lợi xã hội vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới.
Ngay tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, các nhà tài trợ đã hưởng ứng Chương trình "Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội" của tỉnh Điện Biên với số tiền khoảng hơn 160 tỷ đồng, trong đó, riêng thành phố Hà Nội hỗ trợ hơn 90 tỷ đồng.
* Tiếp đó trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động trồng cây hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, do tỉnh Điện Biên tổ chức. Đánh giá cao hai năm qua, Điện Biên đã huy động nhiều nguồn lực xã hội trồng 642 nghìn cây xanh, Chủ tịch nước cho rằng, phát triển rừng trồng, nhất là rừng nguyên liệu là hướng đi quan trọng đối với nhiều địa phương, vừa đóng góp vào bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, vừa phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu đạt 50 tỷ USD sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng của nước ta.
Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, hoàn thành mục tiêu Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp sẽ đạt mục tiêu kép là phát triển bền vững và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế xã hội.
Trong các loại cây trồng hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng, cây mắc ca là một trong những loại cây đã được xác định vùng quy hoạch và có hiệu quả kinh tế ở một số địa phương. Do đó, cây mắc ca có thể coi là loại cây “đi sau, về trước”. Nêu thực tế Tây Bắc có 3 triệu ha vùng đất trống, đồi trọc, trong đó riêng Điện Biên, tỉnh có thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca, hiện có 300 nghìn ha, Chủ tịch nước nhận định, Điện Biên có thể chọn mắc ca trở thành một trong những cây giảm nghèo.
Chủ tịch nước lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, việc phát triển cây mắc ca phải từng bước chắc chắn, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội và môi trường sinh thái. Cần lưu ý phát triển cây mắc ca phải theo vùng trồng tập trung là chính, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm phù hợp thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao; có biện pháp đảm bảo chất lượng cây giống và cung ứng cây giống tốt cho thị trường, giúp người dân tiếp cận dễ dàng với chi phí hợp lý. Cùng với đó là thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường xã hội hóa thu hút đầu tư vào trồng và chế biến sản phẩm mắc ca; xây dựng bảo hộ thương hiệu các sản phẩm mắc ca của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.