Đến dự Hội nghị tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng.
Ngày 5/12/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã Chỉ thị số 373/CT giao nhiệm vụ cho ngành Y tế tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Sau hơn 25 năm thực hiện Chương trình này, ngành Y tế đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng, thực hiện đầy đủ các mục tiêu cam kết quốc tế về tiêm chủng mở rộng. Hoạt động tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở 100% xã, phường trong cả nước, ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đã thực hiện tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai 11 loại vắc-xin phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai liên tục được duy trì ở mức cao trên 90% qua nhiều năm. Việt Nam đã thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế như: thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, hiện đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh viêm gan B. Nhằm bảo đảm nguồn vắc-xin phục vụ chương trình, Việt Nam đã tự sản xuất được 10 trong số 11 loại vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, sự phát triển của khoa học công nghệ, của nền y học hiện đại, ngành Y tế nước ta những điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai bão lụt, hạn hán diễn biến phức tạp, khó lường; ô nhiễm môi trường; gia tăng dân số; nguy cơ dịch bệnh, một số căn bệnh mới bùng phát, một số căn bệnh tái xuất hiện... đang ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống của nhân dân. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành Y tế nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng ngày càng lớn và nặng nề hơn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, phòng bệnh kém thì dịch bệnh sẽ phát triển, bệnh tật phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, mặc dù “thầm lặng” hơn các hoạt động trực tiếp khám, chữa, điều trị cho người bệnh, nhưng ý nghĩa kinh tế - xã hội của hoạt động y tế dự phòng là rất lớn. Chủ tịch mong muốn ngành Y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng; tuyên truyền, vận động sự tham gia tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh là chính”.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Trung tâm y tế dự phòng huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của ngành Y tế thành phố, tập thể bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm có nhiều hoạt động, sáng kiến trong việc giữ vững thành quả tiêm chủng mở rộng, đảm bảo các đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai trên địa bàn được tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin có trong Chương trình, tăng cường công tác truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.