(HNMO) - Sau khi nghe Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh nêu những khó khăn của khối doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu phải mạnh dạn nêu cụ thể, chi tiết.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắng nghe doanh nghiệp trong buổi tiếp xúc chiều nay 4-3. |
Chiều nay (4-3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với doanh nghiệp trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc, phần lớn các ý kiến của doanh nghiệp xoay quanh những bất cập về chính sách như chính sách tín dụng, thuế, thị trường... Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng bức xúc cho biết, riêng ngành chăn nuôi, doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm tới hơn 90% thị phần tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước chỉ chia nhau "miếng bánh thừa" của doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Dương Ngọc Minh, nếu không có chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nội, các công ty nước ngoài sẽ thâu tóm dần. Riêng ngành nông nghiệp, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại buổi xúc tiếp, ông Minh cho biết rất may mắn được gặp Chủ tịch nước để trực tiếp chia sẻ những bức xúc của doanh nghiệp.
Trước yêu cầu của Chủ tịch nước phải nêu cụ thể khó khăn, ông Dương Ngọc Minh cho biết, hiện nay doanh nghiệp ngành nông nghiệp khó khăn nhất là vốn. "Khi đi vay, có ngân hàng nói với tôi, bất động sản còn có tài sản thế chấp là nhà đất còn nông nghiệp quanh năm bị thiên tai, mất mùa lấy gì đảm bảo mà cho vay", ông Dương Ngọc Minh bức xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ông Dương Ngọc Minh: "Bất động sản còn có nhà đất để vay, doanh nghiệp nông nghiệp chẳng có gì để lận lưng cả". |
Một số doanh nghiệp khác cũng bức xúc về chính sách thuế. Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho biết, doanh nghiệp của bà bị Cục thuế TP Hồ Chí Minh truy thu và phạt lên tới hàng trăm tỷ đồng. "Chúng tôi đã gửi văn bản khiếu nại lên Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế TP Hồ Chí Minh nhưng ba năm nay không nhận được phản hồi", bà Yến bức xúc.
Cũng liên quan đến thuế, ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp ngành cơ khí phải thường xuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách về thuế dành cho doanh nghiệp trong nước lại không được ưu đãi như doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Tống, điều này là thiếu công bằng đối với doanh nghiệp nội, đi ngược lại chính sách dành cho khối doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ khí.
Liên quan đến quá trình hội nhập sau khi Việt Nam ký hàng loạt các hiệp định thương mại, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian để chúng ta chuẩn bị là không còn nữa, trong khi chất lượng nguồn lực của doanh nghiệp trong nước còn quá thấp. Theo ông Minh, để doanh nghiệp nội đứng vững trước sức ép hội nhập khốc liệt cần có những hỗ trợ cụ thể của nhà nước, đồng thời các chính sách cần phải giữ ổn định.
Sau khi lắng nghe những bức xúc, kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Việt Nam đã thật sự bước vào cuộc cạnh tranh với bên ngoài. Theo Chủ tịch nước, việc hội nhập sâu với tiêu chí cao là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đổi mới cơ chế toàn diện bởi không gì tự nhiên mà có.
Qua đó, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề phải mạnh dạn đề xuất cụ thể những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ. Doanh nghiệp chính là lực lượng tham mưu tốt nhất, sát sườn nhất về cơ chế, chính sách để các ngành, các cấp có sự điều chỉnh hợp lý giúp doanh nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh.
"Mình cứ nói chung chung là không được, phải sát sườn hơi thở của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những chính sách không còn phù hợp, tạo rào cản cho doanh nghiệp phải cương quyết sửa đổi. Đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.