Sáng 6-6, tại Quảng Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc vào Dự thảo Đề án.
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.
Trước hội nghị này, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước.
Từ kết quả đó, trên cơ sở bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ, các Nghị quyết của Trung ương mà đặc biệt là Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện Dự thảo Đề án lần thứ ba để đưa ra lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Đề án có hàm lượng khoa học cao, có chất lượng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Góp ý vào Dự thảo Đề án, các tỉnh ủy, thành ủy nêu một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn như: Cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các địa phương gắn với giám sát thực thi công vụ và gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản trị điều hành để nhân dân giám sát gắn với chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời, thống nhất, lấy quyền lợi hợp pháp của người dân làm trung tâm; nâng cao chất lượng các văn bản luật và giảm các can thiệp mang tính hành chính; hình thành cơ chế và cơ sở pháp lý đầy đủ hơn về mô hình chính quyền đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Hội thảo này là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo đưa Dự thảo Đề án lấy ý kiến của các địa phương; có sự tham dự của lãnh đạo 28 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch nước đánh giá, các ý kiến đóng góp tại hội thảo thể hiện sự tâm huyết, sát sao đối với nội dung Đề án; trong đó có nhiều ý tưởng mới, đóng góp vào quan điểm, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các ý kiến tại hội thảo thể hiện sự thống nhất với Dự thảo Đề án; nhìn nhận Dự thảo Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp 2013; đồng thời, bày tỏ sự cấp thiết xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề phân cấp giao quyền gắn với quản lý thống nhất; gắn liền với kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm rõ hơn các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong định hướng phát triển bền vững thì cần quan tâm đến cả các tỉnh nghèo, khó khăn.
Chủ tịch nước cho rằng, những vấn đề được nêu ra tại hội thảo lần này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.
"Đây là những đóng góp rất quý báu, tạo thêm động lực, quyết tâm để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Các đồng chí đều tin tưởng Trung ương, Bộ Chính trị sẽ có một đề án tốt, có Nghị quyết khoa học, tạo điều kiện cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, tầm nhìn xa đến năm 2045", Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu, tỉnh ủy, thành ủy các địa phương, sau hội nghị này, tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Đề án và góp ý bằng văn bản cho Ban Chỉ đạo. Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án.
Ngay tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt một số chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về việc xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có vấn đề nâng cao nhận thức, quan điểm chỉ đạo, lộ trình thực hiện và một số nhiệm vụ của Đề án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.