Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên: Ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao

Bảo Khánh| 25/06/2020 09:48

(HNMCT) - Một trong những giải pháp phục hồi ngành Du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững và cải thiện vị thế của du lịch Việt Nam là thu hút dòng khách có khả năng chi tiêu cao. Đây cũng là nội dung trọng tâm mà ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh trao đổi với phóng viên Hànộimới Cuối tuần trong cuộc trò chuyện dưới đây.

- Thế giới đang phải đối mặt với “làn sóng dịch thứ hai”, vì thế việc đón khách quốc tế sẽ phải chờ thời điểm thích hợp. Vậy Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể đón khách khi mở cửa trở lại, thưa ông?

- Việc đón khách trở lại phải căn cứ vào tình hình thực tiễn với những bước đi cẩn trọng, đặt sự an toàn về sức khỏe của người dân lên trên hết. Theo kịch bản của ngành Du lịch, sớm nhất cũng phải từ tháng 8, tháng 9 trở đi mới có thể mở cửa trở lại thị trường quốc tế.  

Trong thời gian này, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón khách ngay khi có cơ hội. Việc cần làm đầu tiên là xác định thị trường mục tiêu, xem nguồn khách nào có thể đáp ứng các tiêu chí an toàn để sớm có kế hoạch đón khách trở lại. Nhìn vào biểu đồ dữ liệu dự báo, chúng ta có thể mở cửa trước với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi đã đánh giá được những quốc gia an toàn, có thể ưu tiên mở cửa sớm và xác định nhu cầu của thị trường khách đó để tiếp thị sản phẩm. Việc mở cửa sớm với các thị trường quan trọng sẽ là cơ hội thuận lợi để thu hút khách.

- Trong các thị trường trên, thị trường nào cần thu hút khách trong giai đoạn tới?

- Thị trường Nhật Bản và Australia cần được ưu tiên bởi đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài. Nhưng thị phần khách Australia tới Việt Nam hiện tương đối thấp, chưa đến 10% tổng thị phần khách Australia đi du lịch châu Á, thấp hơn nhiều so với số người tới Indonesia, Thái Lan, Singapore và Hong Kong. Nếu có cơ hội gia tăng thị phần khách Australia, Việt Nam sẽ vượt các nước trên vì sản phẩm đa dạng, hấp dẫn hơn. Điều quan trọng là phải tạo thói quen để họ đến Việt Nam. Chỉ cần khoảng 30 - 50% thị phần khách Australia đi châu Á chuyển hướng sang Việt Nam, mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 1,5 - 1,8 triệu lượt khách. Đó sẽ là thành công lớn vì cơ cấu nguồn khách này cực kỳ bền vững.

Khách Nhật Bản cũng vậy. Hiện mỗi năm mới có gần 1 triệu khách Nhật đến Việt Nam. Nếu thu hút được thêm thì cơ cấu khách quốc tế của Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn vì đây cũng là đối tượng khách chi tiêu cao, lại rất hiểu văn hóa, con người Việt Nam.

Việc mở cửa trở lại các thị trường này trong vài tháng tới là hoàn toàn có thể. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu đáng tin cậy, Chính phủ Việt Nam và các nước có thể đàm phán song phương, xúc tiến quảng bá sản phẩm một cách phù hợp.

- Sản phẩm nào sẽ hấp dẫn được các thị trường khách quan trọng trên, thưa ông?

- Trong khi mức chi trả trung bình của khách trong khu vực là 800 - 900USD/người thì khách Australia chi tiêu khoảng 1.400 - 1.500USD/người. Khách Australia có đặc điểm là nếu thích một điểm đến nào đó, họ sẽ quay lại nhiều lần. Theo thống kê, họ thường quay lại Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) 6 - 8 lần, nhiều người quay lại hằng năm. Nếu Việt Nam có thể biến Phú Quốc hay dải miền Trung trở thành điểm du lịch mới đáng giá đối với người Australia, chúng ta sẽ có thêm cả triệu lượt khách quay lại nhiều lần.

Điều này hoàn toàn khả thi bởi dải đất miền Trung Việt Nam hội đủ các tiêu chí mà khách Australia thích, đó là khám phá các vùng di sản như: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), cố đô Huế, hệ thống hang động ở Quảng Bình, ngoài ra nghỉ dưỡng biển tại đảo Phú Quốc cũng rất tuyệt. Khách Australia thường có thói quen đi dài, từ 14 - 21 ngày, một nửa trong số đó họ dành để khám phá, nửa còn lại để nghỉ dưỡng. Chúng ta có đủ sản phẩm để phục vụ nhu cầu của họ.

Nhiều tháng qua, Chính phủ cùng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Australia, Nhật Bản và một số nước khác đã có sự trao đổi cần thiết nhằm sớm hợp tác trở lại.

- Ngoài việc xây dựng sản phẩm chất lượng, cách quảng bá xúc tiến trong “thế giới phẳng” cần được phát huy như thế nào để đạt hiệu quả?

- Các hình thức quảng bá truyền thống hiện nay không còn hiệu quả. Quảng cáo online, qua mạng xã hội và các hoạt động liên quan ngày càng chiếm ưu thế. Việt Nam thực hiện rất tốt cách quảng bá này. Mấy năm nay, Hội đồng Tư vấn du lịch đã hỗ trợ Du lịch Việt Nam trong mảng quảng bá trực tuyến thông qua việc tài trợ 100% cho trang vietnam.travel. Toàn bộ nội dung trên trang này được xây dựng bởi đội ngũ năng động, hiểu biết. Họ đã sản xuất hàng trăm video clip với các câu chuyện cùng hàng loạt chiến dịch quảng bá cho các địa danh của Việt Nam một cách bài bản, khoa học.

Ngoài ra, phải xây dựng được nền tảng cho quảng cáo số. Hội đồng Tư vấn du lịch đang làm việc với Google, Facebook hay các tập đoàn liên quan đến quảng cáo và các tình nguyện viên yêu Việt Nam, những người nổi tiếng như golf thủ Greg Norman để đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, thể hiện qua hàng chục nghìn lượt truy cập website mỗi ngày, thuộc top đầu lượng truy cập của khu vực châu Á.

- Vấn đề thị thực luôn là rào cản lớn trong việc thu hút khách quốc tế, thưa ông?

- Đúng vậy! Mặc dù Việt Nam có lợi thế lớn về thiên nhiên, văn hóa, con người, công nghệ nhưng chỉ số cạnh tranh của Việt Nam chỉ ở thang điểm trên 100 - mức gần cuối bảng so với thế giới. Gần đây, chúng ta đã có sự tiến bộ cực kỳ lớn là cấp thị thực online cho gần 80 nước, nhưng quan trọng hơn, phải tiến tới việc miễn thị thực cho nhiều quốc gia để thu hút du khách và tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hiện nay, Indonesia miễn thị thực cho hơn 200 nước, Thái Lan là 60 nước, còn chúng ta mới miễn cho hơn 20 nước. Đó là điều phải cải thiện bởi qua đó, cái lợi mang lại cho du lịch và kinh tế là rất cao.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội bứt phá của ngành Du lịch trong thời gian tới?

- Cơ hội bứt phá cho du lịch Việt Nam hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu chúng ta chuẩn bị tốt mọi thứ, sẵn sàng mở cửa sớm nhất khi điều kiện cho phép để đón những thị trường khách quan trọng. Mặc dù trong khu vực, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nhưng chúng ta có thể tự tin bứt phá trong vài năm tới. Bởi chỉ cần giữ được sự lãnh đạo tập trung như trong giai đoạn chống dịch thì dù nguồn lực nhỏ nhưng nếu sử dụng hợp lý, đúng chỗ vẫn có thể thành công. Làm được như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể xác lập vị thế đứng đầu Đông Nam Á. Trước đây, Việt Nam xác định phải đến năm 2035 mới có thể vượt qua Thái Lan, nhưng với cách tiếp cận thông minh, hợp lý và đầu tư sớm, có ưu tiên đúng, tôi tin Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trong 5 năm tới.  

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên: Ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.