(HNM) - Ngày 27-12, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua dự luật chống khủng bố đầu tiên của nước này.
Tổ chức khủng bố IS đang thách thức an ninh trên toàn thế giới. |
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước; đồng thời góp phần duy trì an ninh thế giới. Sự kiện này cho thấy cuộc chiến chống khủng bố không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay một châu lục nào mà đã trở thành thách thức hàng đầu của toàn thế giới.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một trả lời phỏng vấn ngày 12-11 khẳng định sự tồn tại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong lòng Trung Đông đã không ngờ chỉ sau đó một ngày, cả thế giới bàng hoàng khi IS tấn công cùng lúc 4 địa điểm ở Paris (Pháp) tối 13-11, khiến 130 người thiệt mạng. Thực tế, hành động của IS đã diễn ra từ trước đó rất lâu. Hồi tháng 7, một kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 33 người ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biên giới Syria. Ba tháng sau, hai kẻ đánh bom tự sát đã khiến 120 người thiệt mạng trong một cuộc diễu hành hòa bình ở Ankara. Ngày 31-10, một máy bay chở khách của Nga đã phát nổ làm toàn bộ 224 người thiệt mạng. Sau đó (2-12), đôi vợ chồng có quan hệ với IS, đã xả súng giết chết 14 người ở thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ...
Đông Nam Á cũng đối mặt với khả năng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ hành động nhằm đòi quyền tự trị tại một số tỉnh miền nam Thái Lan, Philippines và Malaysia. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã phải lên tiếng cảnh báo quốc gia này đang trở thành mục tiêu tấn công của IS. Rõ ràng, những cuộc tấn công của IS đã buộc thế giới phải nhìn nhận lại cuộc chiến chống khủng bố.
Ngay trước thềm năm mới 2016, câu hỏi về sự tồn tại của IS đã được đặt ra. Mặc dù lãnh địa của tổ chức này chỉ cụm lại trong không gian giữa Syria và Iraq, nhưng những chiếc vòi của nó đã vươn ra khắp thế giới. Tính chất nghiêm trọng và quy mô của các cuộc tấn công khủng bố đã buộc các nhà lãnh đạo quốc gia ý thức về "một cuộc chiến tranh" đang phải đương đầu. Một cuộc chiến không chiến tuyến, với một đối thủ có thể gieo rắc chết chóc ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào.
Trong bối cảnh như vậy, các nỗ lực quốc tế chống IS đang được mở rộng. Nước Nga tỏ ra quyết đoán khi mở chiến dịch không kích ồ ạt IS ở Syria trong những ngày qua. Hành động được cho là bất ngờ của Nga đã mang lại hiệu quả lớn khi được chính phủ và nhân dân Syria hậu thuẫn. Hành động trên chiến trường cùng sự hợp tác của Mátxcơva với cả phe đối lập đã khiến IS ngày càng bị cô lập.
Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris tựa như chất xúc tác hối thúc Tổng thống B.Obama bắt tay với người đồng cấp Nga V.Putin, tạm gác qua một bên các bất đồng để bàn thảo về triển vọng chống IS. Sự thống nhất giữa Mỹ và Nga được cho là sẽ tạo ra xung lực mạnh cho cuộc chiến chống IS. Cục diện thay đổi nhanh chóng hơn sau khi Pháp đẩy mạnh chiến dịch không kích tại các vùng "lãnh thổ" của IS. Đức và Anh cũng đã quyết định tham chiến. Rõ ràng, càng đến thời khắc "giao thừa", vòng vây đang ngày càng khép chặt, IS bị đẩy lùi ở không ít mặt trận, lãnh thổ bị thu hẹp...
Dẫu vậy, mong muốn các nước tạm thời gác lại mâu thuẫn để tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến chống IS chưa bao giờ dễ dàng. Việc cường kích Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ như một "gáo nước lạnh" dội vào nỗ lực tạo dựng một liên minh thống nhất chống IS. Năm 2015 sắp khép lại, song thách thức về nguy cơ khủng bố vẫn đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo. Để giải quyết mối đe dọa đang trở thành hiểm họa chung, đòi hỏi một giải pháp tổng thể với sự chung tay, hợp sức trên phạm vi toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.