Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động vượt khó

Gia Khánh| 02/04/2023 06:06

(HNM) - Quý I-2023, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 3,32%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy giảm. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng chung. Khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp tới hơn 95% vào mức tăng chung. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9% là điểm sáng của nền kinh tế. Một số ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm rất cao như dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán buôn - bán lẻ, tài chính - ngân hàng, vận tải, kho bãi...

Mặc dù kim ngạch xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% (xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%), nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD) cũng có thể là một điểm rất đáng chú ý.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dù số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn tăng khá cao, nhưng có tới hơn 44% doanh nghiệp được hỏi đánh giá xu hướng kinh doanh quý II-2023 sẽ tốt lên so với quý I-2023; hơn 35% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và hơn 20% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp lạm phát, suy giảm, tăng trưởng GDP tuy chưa cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng rất thấp hoặc tăng trưởng âm. Đặc biệt, lạm phát trong nước tiếp tục được kiểm soát hợp lý đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện triển khai các chính sách tiền tệ, tài khóa giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo kịch bản đã đề ra, mục tiêu tăng trưởng quý I, quý II và cả năm 2023 lần lượt là 5,6%, 6,7% và 6,5%. Với mức tăng thực tế 3,32%, 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần tăng khoảng 7,5%, là mức tăng khá cao trong bối cảnh các khó khăn, thách thức từ biến động kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao nội lực và tính tự chủ của nền kinh tế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần thực hiện hiệu quả bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm đi đôi với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, an toàn, ổn định, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí đầu vào và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đối với các cấp, ngành, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, đó là hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vốn, giảm giá nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời một số ngành bị tác động từ thị trường thế giới như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ... Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi sản xuất công nghiệp gặp khó và nông sản dự báo được giá.

Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, gỡ nút thắt mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; gỡ nút thắt cơ chế, chính sách để dự án thi công dở dang khởi động lại, nhiều công trình mới được khởi công, tạo ra tăng trưởng cho ngành xây dựng, giao thông và gia tăng năng lực về hạ tầng. Và cuối cùng, các doanh nghiệp cũng phải chủ động cân đối dòng tiền, bố trí sản xuất tối ưu, bám sát thị trường, tăng cường liên kết, chủ động vượt khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.