(HNM) - Với nhiều con sông chảy qua địa bàn như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi...; Hà Nội có một hệ thống đê trải dài hàng trăm cây số (626,124km). Những con đê được hình thành trong chiều dài lịch sử, trên nền đất yếu lại trải qua nhiều giai đoạn, mỗi thời điểm được bồi đắp, gia cố thêm với những loại vật liệu không đồng nhất và nhiều tuyến có mặt đê là đường liên tỉnh, liên huyện với mật độ giao thông cao nên áp lực đè lên các công trình phòng, chống thiên tai này là rất lớn.
Mặt khác, những năm gần đây, tuy Hà Nội đã chú trọng xử lý được nhiều sự cố đê điều, loại bỏ được một số trọng điểm xung yếu, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới công trình thủy lợi tiêu thoát úng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra... Chưa kể việc tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông vẫn ngày đêm tác động tiêu cực đến sự an toàn, ổn định của đê kè và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông.
Do vậy, công tác phòng, chống lụt bão trong năm 2020 tiếp tục đặt ra những vấn đề cần tập trung giải quyết. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai thì việc đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án, công trình phòng, chống thiên tai được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.
Hiện, các địa phương: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức… đang tập trung chỉ đạo nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án tu bổ, nâng cấp công trình đê điều; đồng thời thúc đẩy tiến độ các dự án nạo vét sông, kênh, mương; chủ động tháo dỡ, những vật cản nhằm khơi thông dòng chảy, tăng cường năng lực tiêu thoát nước… Một số công trình, dự án phòng chống thiên tai như công trình chống sạt lở 400m bờ sông Hồng ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) hay dự án nâng cấp gần 17km tuyến đê tả Đáy kết hợp làm đường giao thông ở huyện Hoài Đức... đang khẩn trương về đích.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm xung yếu chưa được gia cố, sửa chữa, còn công trình, dự án chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, mùa mưa bão đang đến gần, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Rõ ràng, các cấp, ngành cần gấp rút triển khai nâng cấp, tu sửa, hoàn thành công trình đê điều, hệ thống tiêu thoát úng… nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, bảo vệ công trình đê điều. Qua đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi.
Chính quyền các địa phương cần chủ động, tích cực trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình phòng, chống thiên tai để bảo đảm tiến độ đề ra. Về phía nhà thầu, đơn vị thi công công trình, khi đã có mặt bằng, cần tập trung nhân lực, máy móc thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ. Đối với người dân các địa phương có các công trình, dự án phòng, chống thiên tai đang triển khai cần ủng hộ, tạo điều kiện, bàn giao mặt bằng thi công.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới, ngành NN&PTNT cần phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch triển khai sửa chữa, gia cố kịp thời, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay, có nhiều việc các cấp, ngành và người dân cần làm với tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm cao nhất nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do do thiên tai gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.