Mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 đã khiến một số xã của huyện Chương Mỹ và Quốc Oai (Hà Nội) bị ngập úng. Sau khi nước rút, cuộc sống của người dân đã dần ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cẩn thận từ khâu bảo quản đến chế biến
Sau khi nước rút, nhiều gia đình rơi vào tình trạng khó khăn, cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, do đó người dân cũng ít chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp sau để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa mưa bão: Dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý); rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn. Người dân lưu ý không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác; không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp bị ngâm trong nước, hoen gỉ, ngấm nước, bùn... Bên cạnh vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, mọi người cũng phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng sau khi ổn định lại cuộc sống.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, mưa bão gây ngập lụt một số vùng khiến nguồn lương thực và thực phẩm bị thiếu do lương thực - thực phẩm bị nước cuốn trôi, bị hư hỏng do ngập nước, đường giao thông chia cắt... Vì vậy, trong và sau mưa bão, người dân có thể rơi vào tình trạng thiếu lương thực - thực phẩm tươi sạch, bữa ăn sẽ mất cân đối, không đủ thành phần các chất dinh dưỡng như thiếu rau xanh, hoa quả chín, chất đạm từ: Thịt, trứng, cá, tôm, cua...
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sau mưa bão, theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, ngay sau khi nước rút, người dân cần nhanh chóng khôi phục lại sản xuất để có nguồn thực phẩm tại chỗ an toàn, giàu dinh dưỡng giúp cải thiện chất lượng bữa ăn của bà mẹ, trẻ em và gia đình như các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, cà rốt, chuối, đu đủ, bầu bí, trái cây có múi...) hay trứng, cá, thịt. Để phòng tránh bệnh dịch, người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi; không sử dụng các thực phẩm bị ngập nước, nảy mầm, nấm mốc, thịt gia súc gia cầm bị chết...
Với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần thực hiện việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ số bữa và chất lượng bữa ăn. Với trẻ ăn dặm, phụ huynh cần tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn.
Đặc biệt chú ý về nguồn nước
Sau mưa lũ, tại những vùng bị lũ lụt, ngập úng, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết... lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh có thể bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh.
Trong khi đó, nước sạch được dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm rất quan trọng, do đó nếu dùng những nguồn nước ô nhiễm, người dân rất dễ ngộ độc thực phẩm hoặc mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm (tiêu chảy, tả, thương hàn)... Đối với những vùng không đủ nước sạch, người dân có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn như khử trùng nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Tại Quốc Oai, ngay sau khi ghi nhận thông tin các điểm ngập tại các xã trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã cấp phát Cloramin B 25% đến các xã bị ngập để xử lý nguồn nước và môi trường. Các xã vùng ngập lụt của huyện Chương Mỹ cũng được cấp phát hơn 10kg thuốc sát trùng Cloramin B để phòng, chống dịch bệnh cho các hộ dân trong vùng bị ngập. Ngoài Cloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn; sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.