Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó

Thế Văn| 25/08/2021 06:07

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới sản xuất, đe dọa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Hà Nội nói riêng vẫn duy trì ổn định tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế.

Theo thống kê, tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp 7 tháng năm 2021 là hơn 3,8% và của nông nghiệp Thủ đô đạt hơn 3%. Sản xuất nông nghiệp không chỉ bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 gây áp lực nặng nề lên đời sống xã hội mà còn đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lên con số 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những thành công minh chứng cho nỗ lực đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, mùa mưa bão đang đến và trong những tháng cuối năm nay, tình hình thời tiết cũng như dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và đặc biệt dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng. Để hoàn thành “mục tiêu kép” - bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong mọi hoàn cảnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, ngành Nông nghiệp, các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với những thách thức từ thực tế.

Trước mắt, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cũng như của thành phố Hà Nội cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, nắm bắt tình hình sản xuất, giá cả thị trường, năng lực cung ứng và xác định rõ vướng mắc, ách tắc trong tiêu thụ sản phẩm để xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định cho thị trường, đặc biệt là cho người dân ở những vùng bị phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19.

Mặt khác, theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai; linh hoạt triển khai cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu thị trường. Song song là tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm và theo sát diễn biến thị trường về nguồn cung cũng như giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Để thúc đẩy tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ các địa phương quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa nông sản vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thông tin về các hiệp định thương mại và hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực thi những quy định của thị trường nhập khẩu…

Đặc biệt, nhằm khôi phục sản xuất khi dịch Covid-19 được khống chế, hướng tới bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường dịp cuối năm nay, ngành Nông nghiệp cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, trong đó chú trọng làm chủ nguồn giống cây trồng, vật nuôi… tránh tình trạng thiếu giống hoặc giá giống quá cao. Mặt khác là bình ổn giá lương thực, thực phẩm trên thị trường, không để ảnh hưởng đến người tiêu dùng và phát sinh hiện tượng “lợi ích nhóm”.

Chủ động các giải pháp ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…, toàn ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành “mục tiêu kép", thực sự là “bệ đỡ” cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.