Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động trước những biến đổi khác thường

Vũ Duy Thông| 03/04/2012 06:41

(HNM) - Những năm gần đây, thời tiết không chỉ đỏng đảnh mà còn có những biến đổi bất thường, làm đảo lộn những quy luật đã hình thành từ lâu. Cách đây 4 năm, năm 2008, một đợt mưa rất lớn, lượng nước đo được trên 400mm bất ngờ trút xuống Hà Nội, biến nhiều con đường của Thủ đô thành sông, cá bơi tung tăng trên đường nhựa.


Đã tưởng cơn mưa như thế chỉ là hiện tượng bất thường, nhưng không, những bất thường về thời tiết tương tự xuất hiện ngày một nhiều, ngày một cực đoan hơn, không chỉ với Hà Nội mà với cả nước, buộc người ta phải nghi ngờ tính chính xác của những quy luật đã được tổng kết hàng trăm năm nay. Năm ngoái, trong nhiều năm chưa bao giờ có một mùa đông ấm và khô đến thế.

Năm nay, trong nhiều năm, chưa bao giờ có một mùa đông lạnh và ẩm đến thế. Không khí lạnh và ẩm không chỉ kéo dài ở miền Bắc mà lan rộng vào miền Trung, cực Nam Trung bộ và cả Nam bộ. Có lẽ chưa bao giờ người miền Nam biết tới cái se lạnh, phải mặc áo len ra đường vào những buổi sáng. Cũng chưa bao giờ vào giữa tháng Ba âm lịch, miền Nam Trung bộ phải đón cơn bão số 1 mạnh, đi nhanh, vùng ảnh hưởng lớn như năm nay. Bão thốc thẳng vào Bình Thuận, Ninh Thuận rồi nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới, kéo thành vệt đến tận đất Campuchia mới tan, gây ra gió mạnh, mưa lớn, đổ nhà cửa, cây cối, trụ điện, gây ngập úng, mất điện trên diện rộng. Hàng trăm ngôi nhà bị đổ, tốc mái, hàng nghìn cây bên đường, cây dừa và nhiều loại cây ăn quả khác từ Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai tới Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang bị bật gốc, thiệt hại không nhỏ. Trận bão bất ngờ còn làm chìm hàng chục tàu thuyền đã neo đậu, giằng giữ. Cho đến nay chưa biết trong hàng nghìn ngư dân đang đánh cá trên biển có ai thiệt mạng khi gặp bão hay không; cũng chưa tính được các ô ruộng muối, các diện tích, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại đến mức nào…

Trước những diễn biến bất thường, trái quy luật về thời tiết, các địa phương, các ngành trong cả nước cần phải chủ động, có những thay đổi trong nhiều chương trình, kế hoạch… điều tiết các loại cây trồng, mùa vụ… cho thích ứng. Trước mắt, các dự án cấp thoát nước phải được hoạch định cho phù hợp với tình hình mới, không để tình trạng úng lụt như ở Hà Nội khi có mưa lớn; TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ… khi có triều cường. Ngành xây dựng, nhất là ở các tỉnh phía nam phải tính đến bão, gió lớn, lụt úng lâu ngày khi thiết kế các công trình, đề phòng trước tình trạng ngập úng nặng nề như ở Bangkok (Thái Lan) vừa qua. Ngành môi trường đô thị phải tính toán để hệ thống cây xanh có bộ rễ khỏe, chịu được úng ngập lâu ngày. Ngành điện, ngành thông tin - viễn thông, ngành giao thông… phải có kế hoạch chống bão phù hợp. Thay đổi bộ giống cây trồng, thay đổi mùa vụ là một vấn đề rộng lớn và phức tạp nhưng không thể không chú ý. Hàng nghìn héc ta cao su ở các tỉnh Tây Bắc chết rét, hàng trăm héc ta cao su ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang độ thu hoạch mủ bị đổ gãy vì bão, hàng trăm héc ta mạ xuân, hàng chục nghìn trâu, bò ở các tỉnh phía bắc, trong đó có Hà Nội bị chết rét… là những bài học đau xót, không thể để lặp lại.

Cha ông ta có câu "Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm" để nói về sự cảnh giác với biến đổi thời tiết. Câu nói ấy càng mang tính thời sự trong bối cảnh những hậu quả của biến đổi khí hậu đã gõ cửa từng nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động trước những biến đổi khác thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.