Góc nhìn

Chủ động, trách nhiệm chuẩn bị văn kiện Đại hội

Hiền Lương 11/03/2024 - 06:51

Năm 2024 là khoảng thời gian quan trọng để các cấp ủy Đảng chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trước hết là xây dựng văn kiện trình đại hội mà báo cáo chính trị là trung tâm. Nhiệm vụ đặt ra ngay từ bây giờ là các cấp ủy Đảng cần xác định rõ tâm thế và trách nhiệm, vào cuộc đúng đắn để có kết quả tốt.

1. Ngày 23-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Ngày 8-3 vừa qua, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đã họp phiên đầu tiên. Như vậy, một trong những công việc quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội đã được Trung ương và Thành ủy Hà Nội khởi động, đặt ra yêu cầu sẵn sàng bắt tay vào việc của các cấp ủy Đảng.

Trong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của đại hội”. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm khi triển khai công tác chuẩn bị văn kiện đại hội, trước hết là báo cáo chính trị.

Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư còn cho thấy, quá trình xây dựng báo cáo chính trị, bên cạnh yêu cầu kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc, phải gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách; từ đó phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ những nhân tố mới của thực tiễn. Báo cáo chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể cho nên phải phát huy dân chủ, chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học; tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm. Quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề khó.

Trong khi đó tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố lưu ý, công việc chuẩn bị văn kiện phải tiến hành nghiêm túc, bài bản, đúng lộ trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu về tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Thực tế qua các nhiệm kỳ đại hội, bên cạnh ưu điểm, công tác xây dựng văn kiện đại hội vẫn còn có những mặt hạn chế, tồn tại; trong đó còn có hiện tượng cấp ủy địa phương, tổ chức Đảng trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng báo cáo chính trị nặng về hình thức, chưa bảo đảm tính khách quan, trung thực. Những nội dung mang tính định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chưa sát với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới...

2. Để bảo đảm chất lượng văn kiện, trong quá trình xây dựng, tiểu ban văn kiện của các cấp ủy cần phải bám sát các dự thảo văn kiện của cấp trên để nắm bắt tư tưởng, quan điểm, định hướng lớn. Báo cáo chính trị phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao.

Đối với Hà Nội, việc chuẩn bị văn kiện lần này có nhiều thuận lợi khi các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển đất nước, Thủ đô được ban hành đầy đủ; trong khi thành phố đã tiến hành những tổng kết quan trọng; đồng thời sắp hoàn thành 3 nội dung có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của Thủ đô những năm tới gồm Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: “Trong 5-10 năm tới, Hà Nội có thời cơ để phát triển đúng mục tiêu, nhiệm vụ chính trị là xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế. Cho nên văn kiện phải thể hiện được tinh thần đó”.

Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội của đơn vị mình, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khoa học của văn kiện, từng luận điểm đưa ra phải được minh chứng bằng các số liệu, luận cứ thuyết phục. Do đó, một trong những việc quan trọng cần sớm hoàn thành là phải hình thành được bộ số liệu phục vụ công tác dự báo, xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đây là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm không chỉ ở cấp thành phố, mà các cấp ủy cấp trên cơ sở cũng phải có định hướng rất cụ thể cho các cấp ủy cơ sở.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến được tổ chức vào tháng 1-2026. Theo dự kiến kỳ này, tiến độ đại hội cũng như các công việc chuẩn bị khác liên quan có thể sẽ được đẩy lên sớm hơn so với các nhiệm kỳ trước. Công việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, trong đó có xây dựng văn kiện đại hội có thể nói đang đặt ra ngày càng cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc rất khẩn trương của các cấp ủy Đảng ngay từ bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, trách nhiệm chuẩn bị văn kiện Đại hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.