(HNMO) - Ngày 2-4, tại Hà Nội, Đảng ủy khối doanh nghiệp (DN) Trung ương tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước thuộc khối DN TƯ đến năm 2015”, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan, DN. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đến chỉ đạo.
Đảng ủy khối TƯ có 28 đơn vị gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) và ngân hàng trong diện sẽ tái cơ cấu; trong đó 25 đơn vị đã được phê duyệt phương án cụ thể; số còn lại đã trình đề án, chờ phê duyệt trong thời gian tới. Hầu hết các đơn vị đang thực hiện các hoạt động nhằm tác cơ cấu, sắp xếp lại, chủ yếu thông qua việc cổ phần hóa (CPH) công ty mẹ và DN thành viên. Mục tiêu là các đơn vị được tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ-công ty con, trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, còn lại là đơn vị có công ty mẹ sẽ được CPH. Đặc biệt, đến nay có 3 đơn vị có công ty mẹ đã CPH xong là tập đoàn Bảo Việt, tập đoàn Xăng dầu và TCT Thép Việt Nam. Một số công ty mẹ sẽ CPH trong năm 2014 là tập đoàn Dệt may, TCT Hàng không; năm 2015 sẽ CPH công ty mẹ của TCT Hàng hải, TCT Sông Đà, TCT Đầu tư Phát triển Nhà ở và Đô thị, TCT công nghiệp Xi măng. Trong quá trình chuyển đổi, nhiều đơn vị đã chủ động rà soát, tái cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực quan trị để bảo toàn và phát triển vốn sở hữu. Từ nay đến hết năm 2015, cần hoàn thành CPH 70 DN và thoái vốn nhà nước tại 472 DN thành viên các tập đoàn, TCT.
Tuy nhiên, tiến độ CPH vẫn chưa đạt tiến độ vì diễn ra chậm, do nguyên nhân là thị trường chứng khoán suy giảm trong vài năm qua; còn tâm lý e ngại, thiếu quyết tâm của các cơ quan chức năng, nhất là lãnh đạo DN.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những kết quả và chuyển biến theo hướng ngày càng có trách nhiệm, khẩn trương hơn trong sắp xếp DN thời gian gần đây. Thời gian tới, cơ quan quản lý và DN cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, chủ động phát huy tiềm năng để làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế; nhất là góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy CNH-HĐH cũng như bảo đảm đời sống người lao động. Nhiệm vụ tái cơ cấu DN, tập trung vào CPH còn rất nặng nề, tập trung từ nay đến 2015 nên các đơn vị hữu quan cần tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, phát hiện những tồn tại để xử lý ngay, trên tinh thần cụ thể, tránh họp bàn chung chung. Tất cả nhằm khẳng định định hướng tái cơ cấu, CPH DN là đúng đắn, phù hợp với quy luật và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; tạo điều kiện để DN tham gia và cạnh tranh bình đẳng trong một thị trường minh bạch, thụân lợi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.