Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động, sáng tạo, thuyết phục

Võ Lâm| 31/07/2011 05:59

(HNM) - Trải qua 81 năm lịch sử vẻ vang, dù trong hoàn cảnh nào, công tác tuyên giáo cũng giữ vị trí hết sức quan trọng, đóng góp to lớn vào thành quả cách mạng của Thủ đô và đất nước.

Nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2011), Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về công tác tuyên giáo giữa những vấn đề xã hội nóng bỏng đang được dư luận quan tâm.

Không né tránh việc khó, nhạy cảm

- Thủ đô Hà Nội có vị trí đặc biệt, phải chăng công tác tuyên giáo cũng cần đặc biệt mới đáp ứng được yêu cầu, thưa đồng chí?

- Hà Nội là trái tim của cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt, nơi tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất; đồng thời đây cũng là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt nhất. Mặt khác, cũng là sự trùng hợp, ngày 1-8, Hà Nội tròn 3 năm mở rộng. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều thay đổi và chuyển dịch lớn. Nhiều cơ hội lớn mở ra, nhưng khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất gay gắt. Chỉ có tạo được sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận cao trong xã hội thì mới tạo tiền đề để hoàn thành những nhiệm vụ to lớn và nặng nề đó. Chính vì thế, công tác tư tưởng, tuyên giáo có một vai trò hết sức quan trọng.

Với Hà Nội, năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 là khoảng thời gian rất đặc biệt với nhiều việc lớn, trong đó có 3 sự kiện trọng đại: Đại hội Đảng các cấp, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016… Việc tổ chức thành công những sự kiện lớn này có thể được xem như một thước đo tâm lý xã hội. Đó thực sự là cuộc sát hạch nghiêm khắc chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực của guồng máy Thủ đô, trong đó có công tác tuyên giáo. Chúng ta phải vừa bảo đảm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phải làm tốt các công việc thường nhật trong điều kiện Thủ đô đã mở rộng, bộn bề những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ. Thật đáng khích lệ là hiệu quả công tác tuyên giáo thời gian qua đã góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Chúng ta ngày càng thấm thía việc tốc độ đô thị hóa quá nhanh mà lại thiếu tính đồng bộ và khoa học đang gây ra những hệ lụy lớn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; một bộ phận nông dân bị thu hồi đất trong khi tồn đọng không ít dự án treo, sản xuất gặp khó khăn, công nhân mất việc làm; tình trạng quá tải bệnh viện, thiếu trường học, gay gắt nhất là trường mẫu giáo công lập… Tất cả những đặc điểm đó đòi hỏi công tác tư tưởng tuyên giáo phải vừa đi trước, đi trong và đi sau, sâu sát ở mọi nơi, mọi lúc. Trong quá trình giải quyết ổn thỏa nhiều “điểm nóng”, “việc nóng” kéo dài như GPMB đường Vành đai 3, tẩy trừ tệ đổ rác ra đường, xóa quảng cáo rao vặt bừa bãi, tăng cường trật tự xây dựng và trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… đều có sự vào cuộc kịp thời và có hiệu quả của công tác tuyên giáo…

Nhờ sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của các cấp, công tác GPMB đường Vành đai 3 đã hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Đàm Duy

- Nhưng rõ ràng, làm công tác tuyên giáo không chỉ có ngành tuyên giáo. Đây phải chăng là một nhiệm vụ mà rất nhiều người cùng phải quan tâm?

- Đúng như vậy. Công tác tư tưởng, tuyên giáo là nhiệm vụ của toàn Đảng, của toàn hệ thống chính trị, của mọi ngành, mọi cấp. Chúng ta có thể làm công tác tuyên giáo ở mọi tổ chức, đơn vị, trong mọi tế bào xã hội, ngay cả trong gia đình, giữa bạn bè với nhau. Có thể nói, đây là đặc điểm, bí quyết và cũng là bài học lớn của công tác tuyên giáo. Ngành tuyên giáo giữ vai trò nòng cốt, tổ chức triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo công tác này.

Chủ động và tăng cường phối hợp hoạt động

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm vừa qua, những bài học kinh nghiệm nào khiến đồng chí tâm đắc?


- Trước hết, đó là sự chủ động trong nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội, phát hiện những vấn đề mới phát sinh và triển khai kịp thời các biện pháp phù hợp. Người làm tuyên giáo cần kết hợp chặt chẽ giữa giải quyết những việc trọng tâm, trọng điểm với những việc thường xuyên. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng thấy việc khó, vấn đề phức tạp, nhạy cảm là né tránh, đùn đẩy. Trước mỗi vấn đề như vậy, cần khẩn trương tiếp cận, tìm hiểu để nắm bắt thông tin, kịp thời định hướng dư luận và đề xuất biện pháp giải quyết. Phải hết sức tránh để trống trận địa thông tin, tư tưởng vì đó chính là cơ hội cho những kẻ xấu, các thế lực thù địch tung ra những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái gây phân tâm, nghi ngờ trong xã hội. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giành được thế chủ động trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, giữ vững trận địa tư tưởng.

Thứ hai, kết nối được sự vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị trong công tác tư tưởng, tuyên giáo. Hiện nay, Thủ đô và đất nước đang tiến hành một cuộc kiến tạo lớn, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Trong quá trình đó, khi thực hiện những công trình, dự án lớn chắc chắn sẽ đụng chạm lợi ích của người dân. Trong bất cứ một việc gì, nếu chúng ta thực hiện có lý có tình, đúng quy trình pháp luật, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng, Nhà nước và người dân thì cuối cùng sẽ được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tôi nghĩ, trong công việc này, bộ máy công quyền cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm với người dân, không ngừng đổi mới lề lối làm việc, để giải quyết hiệu quả những việc mà người dân mong đợi. Chỉ có như vậy, người dân mới thông cảm và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước. Một khi chúng ta đạt được sự nhất trí cao trong Đảng, làm cơ sở tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền thì việc khó khăn đến mấy chúng ta cũng giải quyết được. Thực tế giải quyết một số điểm nóng ở Hà Nội thời gian qua đã cho thấy điều này.

Một điều nữa là cần gắn công tác tuyên giáo với những cuộc vận động lớn, để cho các cuộc vận động đó thực sự đi vào cuộc sống có hiệu quả. Sức sống của công tác tuyên giáo không phải ở nghệ thuật thuyết giáo mà bắt nguồn từ việc đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những yêu cầu của cuộc sống. Chính hiệu quả từ thực tế đó sẽ là sức hút để tập hợp lực lượng, tạo nên sức mạnh mới.

Để người tốt không phải lùi bước trước kẻ xấu

- Để tạo sự đồng thuận, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền là rất cần thiết. Đồng chí đánh giá sự cần thiết này như thế nào?

- Chúng ta đang xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ về dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Để xây dựng xã hội dân chủ, nhất định phải thực hiện công khai, minh bạch; càng công khai, minh bạch càng tốt. Minh bạch là luồng ánh sáng đẩy lùi những việc làm mờ ám, không cho tiêu cực có nơi trú ẩn. Minh bạch khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn, theo đuổi đến cùng những việc làm đúng đắn, chính đáng. Chỉ có minh bạch mới tập hợp được những con người tích cực, như ánh sáng mới xua tan bóng tối, cái thiện đẩy lùi cái ác, cái tốt chiến thắng cái xấu. Minh bạch là cái giá đỡ để ở bất cứ đâu người tốt cũng không phải lùi bước trước kẻ xấu.

- Như thế cũng có nghĩa là chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa lề lối làm việc?

- Nhất định phải làm như vậy. Chỉ có không ngừng đổi mới lề lối làm việc chúng ta mới có thể nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tính thuyết phục, từ đó tăng cường sự kết nối với nhau giữa các “binh chủng” làm công tác tư tưởng, tuyên giáo. Thước đo hiệu quả của công tác tuyên giáo chính là sức thuyết phục. Chỉ riêng ngành tuyên giáo không thể tạo ra được tính thuyết phục. Thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả trong việc giải quyết trên thực tế các vấn đề nổi cộm, bức xúc tự nó tạo ra sức thuyết phục không lời. Cho nên các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị cần thiết phải không ngừng đổi mới lề lối làm việc.

- Lề lối làm việc phụ thuộc vào những con người cụ thể, trong khi đánh giá kết quả công tác hiện nay thường rất chung chung, thiếu tính cụ thể, thưởng phạt cũng chưa phân minh. Đồng chí có nghĩ như vậy?

- Đây là điều mà Trung ương cũng như Thành ủy Hà Nội rất quan tâm và đang tìm cách đổi mới. Tôi tin là trong tương lai không xa, hiệu quả đổi mới sẽ ngày càng rõ.

Báo chí cần nâng cao hơn nữa tính chiến đấu

- Đồng chí đánh giá ra sao về vai trò của báo chí trong công tác tuyên giáo?

- Đây là lực lượng chủ lực. Thời gian qua, báo chí Thủ đô cùng báo chí cả nước đã có nhiều nỗ lực, thể hiện được vai trò xung kích của lực lượng chủ lực .

- Nhưng chính báo chí hiện nay với những xu hướng phát triển phức tạp đang tạo ra những sản phẩm lai căng, thậm chí phản văn hóa, cản trở công tác tuyên giáo. Ngành tuyên giáo sẽ làm gì?


- Đang có hiện tượng đáng lo ngại như vậy. Bị hút theo mục đích thương mại, một số tờ báo, phương tiện truyền thông đại chúng và cả một số hoạt động trong giới giải trí, trên thực tế, đang truyền bá lối sống tha hóa, độc hại, mà dường như không quan tâm đến hậu quả của nó. Theo tôi, cần có sự uốn nắn, chấn chỉnh kiên quyết hơn với hiện tượng này. Đối với báo chí Hà Nội, về cơ bản các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuy nhiên gần đây cũng đã có một vài dấu hiệu thương mại hóa cần lưu ý, chấn chỉnh kịp thời.

- Ở khía cạnh khác, báo chí nói chung và ở Hà Nội nói riêng vẫn bị đánh giá là “lành” quá. Đồng chí có nghĩ như vậy?

- Đây là nói về sự nhìn nhận về tính phát hiện và tính hiệu quả trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Một số tờ báo ở Hà Nội, ở một số thời điểm, đã từng xác lập vị trí đáng nể trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến đấu lâu dài, vô cùng phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất dấn thân. Tôi nghĩ trong chừng mực nào đó, về mặt này, nhìn chung báo chí Hà Nội chưa thật sắc. Trong bài phát biểu sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước mới đây, đồng chí Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Theo tôi, báo chí cần tiếp tục vào cuộc với một tinh thần chiến đấu, mạnh dạn hơn, sắc sảo hơn vì lợi ích chung của xã hội và đất nước. Không một sự mua chuộc, cám dỗ, đe dọa nào có thể bẻ cong ngòi bút của những nhà báo chính trực. Tôi tin như vậy.

- Từ nay đến cuối năm, chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Đâu là những vấn đề ngành tuyên giáo sẽ lưu tâm?

- Có thể nói là khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt. Lạm phát, giá cả tăng cao đang tác động hằng ngày, hằng giờ lên đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, trong khi đó, nhiều vấn đề xã hội phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm như về nhu cầu học hành, chữa bệnh, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông; đây đó còn hiện tượng mất dân chủ, rồi tình hình biển Đông gây bất bình và lo lắng trong các tầng lớp nhân dân… Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa đã, đang và sẽ có những mặt trái làm tổn thương một số đối tượng nhất định trong xã hội. Đây là những vấn đề mà ngành tuyên giáo Thủ đô phải theo dõi, sâu sát nắm bắt để kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp để cả hệ thống chính trị cùng đồng bộ vào cuộc giải quyết.

- Xin cám ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, sáng tạo, thuyết phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.