Tính đến ngày 21-6-2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra.
Sáng 19-7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ năm, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.
Hội nghị được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ; tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 6 nội dung chính của công tác cải cách hành chính (gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số) và đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu…
Nhiều kết quả khả quan
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tóm tắt công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cho biết, tính đến ngày 21-6-2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích... Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng. 67,32% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là phù hợp
Tại hội nghị, 14 đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã tham luận về thực tiễn triển khai, những kết quả đạt được, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham luận về giải pháp đổi mới, tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố cho biết nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai chính quyền đô thị với việc không tổ chức HĐND cấp phường. Hà Nội đã tổng kết 2 năm thực hiện các thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhằm luật hóa các lĩnh vực trong Luật Thủ đô để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét trong tháng 10-2023.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã họp, đánh giá, tổng kết và khẳng định mô hình đang áp dụng hiện nay là phù hợp với trình độ phát triển, quy mô dân số, hợp lý về khoa học tổ chức. Cụ thể là không tổ chức HĐND cấp phường giúp chính quyền phường chủ động hơn rất nhiều; giảm bớt thủ tục quy trình, quan hệ công việc, giúp nhanh hơn trong xử lý công việc khi trực tiếp quản trị. Ở cấp phường, khi không tổ chức HĐND vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân bởi Hà Nội đã được tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận, trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền phường. Bên cạnh đó, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường do HĐND quận thực hiện là phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, khi không còn HĐND cấp phường, việc giám sát được tiến hành trực tiếp, thường xuyên cũng mang lại hiệu quả. Thực tế cho thấy, khi triển khai các biện pháp chống dịch, phòng dịch, dù không tổ chức HĐND cấp phường, nhưng hệ thống chính trị vẫn hoạt động tốt, không có trúc trắc; mọi quyết định, công việc thường xuyên, đột xuất được xử lý kịp thời. Do đó, đây là mô hình phù hợp, giữ được các nguyên tắc về tổ chức Nhà nước pháp quyền.
Dẫn chứng thực tế bình quân dân số mỗi phường tại Hà Nội là 25.000 người (bình quân tiêu chuẩn là 15.000 người), thậm chí có phường có số dân hơn 100.000 người… nhưng biên chế rất ít, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị cần thêm biên chế cho các phường. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất các bộ, ngành phân cấp, ủy quyền nhiều hơn nữa cho địa phương, phân cấp các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ cho các bộ trong các lĩnh vực như đất đai, quản lý môi trường… để công việc trôi chảy hơn.
Quan tâm tới các vấn đề của Thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết ấn tượng với việc phân cấp của Hà Nội và cho rằng, đây là cách làm có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Khuyến khích sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện công tác cải cách hành chính, đạt được những kết quả khả quan, đồng thời đề nghị thời gian tới, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, sao cho chính quyền phải mang lại cảm hứng, huy động được sức mạnh của người dân.
Thủ tướng Chính phủ nêu một số hạn chế, bất cập: Công tác lãnh đạo, điều hành có nơi có lúc còn chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát tình hình; còn tình trạng chậm tham mưu các văn bản pháp luật; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm đơn giản hóa, chưa được phân cấp…, và chỉ rõ nguyên nhân có khách quan, có chủ quan, nhưng chủ yếu do trách nhiệm người đứng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian tới, các nhiệm vụ, giải pháp cần ưu tiên là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật xem nội dung nào vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết, thời hạn bao lâu? Rà soát lại thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, tập trung vào thủ tục vướng mắc hiện nay (tiếp cận vốn, thủ tục về nhà ở, thủ tục về đất đai, tín dụng, đầu tư, hải quan…) theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, làm đến cùng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Đồng thời, phải rà soát đội ngũ cán bộ xem ai chưa làm được, ai né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì xem xét xử lý theo quy định của Đảng, của nhà nước; ai làm tốt, ai làm vì dân, vì nước thì cần có khen thưởng, động viên kịp thời. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai quán triệt nội dung phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính xuống cơ sở. Các thành viên Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm để có biện pháp lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình. Các đồng chí đứng đầu các cấp, đơn vị cần coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ.
Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường đối thoại, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; khẩn trương triển khai các quy định về thủ tục hành chính, thực hiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Phải lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần quan tâm tháo gỡ. Đối với người dân, doanh nghiệp, những gì mà luật pháp không cấm thì để cho họ làm, khuyến khích sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, đồng thời, yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ tiếp thu tất cả các ý kiến tại phiên họp, trên cơ sở đó ban hành kết luận sát tình hình, đúng trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, các ngành, địa phương, trong đó đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
“Sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai kịp thời, làm với tất cả cái tâm của mình đối với sự phát triển của đất nước, đối với sự khó khăn của người dân, doanh nghiệp, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.