(HNMO) - Những giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tạo dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ tiếp tục được các đại biểu quan tâm cho ý kiến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội chiều 2/6.
Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu tiếp tục đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng đầu năm; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua nhằm ổn định tình hình đất nước, lập lại trật tự, kỷ cương trên một số lĩnh vực.
Đại biểu Bùi Văn Phương – Ninh Bình cho rằng, những diễn biến trên Biển Đông mới đây đòi hỏi chúng ta cần phải có những điều chỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho hợp lý, trong đó ưu tiên hàng đầu là đầu tư cho bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đầu tư cho lực lượng công an cả về nguồn lực, quân số để lực lượng này có thể làm tốt nhiệm vụ; đồng thời dự báo những diễn biến về kinh tế-xã hội sau sự kiện Biển Đông, phát huy nội lực, tránh bị phụ thuộc trong mọi hoàn cảnh.
Đại biểu Nguyễn Thái Học – Phú Yên nhấn mạnh, sự đoàn kết toàn dân, sức mạnh của lòng yêu nước chính là cơ sở để nước ta vượt qua mọi thách thức. Đại biểu Học đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, sát cánh cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ mới, tạo thành làn sóng để lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai cho rằng, để tạo sự bền vững cho những cân đối lớn, phải xem xét trên cả 3 lĩnh vực: thương mại, đầu tư và tín dụng.
Cụ thể, trên lĩnh vực thương mại, Chính phủ cần nghiên cứu để giảm nhập siêu từ Trung Quốc; trên lĩnh vực đầu tư, Chính phủ cần phải suy nghĩ khi có tới 80-90% các dự án lớn về điện và giao thông đều là các đơn vị Trung Quốc trúng thầu, nếu giá rẻ mà các đơn vị này làm tôt, đảm bảo chất lượng thì tuyệt vời, nhưng ở đây, hầu hết các dự án đều thi công chậm tiến độ, tăng giá thầu, không sử dụng nhân công Việt Nam, khi bàn giao thì công trình xuống cấp, lệ thuộc thiết bị thay thế…
Theo đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa, để phát huy nội lực, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, chúng ta đã coi nông nghiệp là mũi nhọn. Tuy nhiên, đến nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”. Thu nhập sản xuất nông nghiệp còn thấp khiến tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn xảy ra. Đại biểu Nam đề nghị Chính phủ cần có những quyết sách rõ ràng, minh bạch, khắc phục những thể chế quá lạc hậu trong nông nghiệp hiện nay, trả lời cho cử tri cả nước được câu hỏi: “Trồng cây gì, nuôi con gì?”.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Bình Thuận đề nghị, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tình hình KTXH đất nước một cách toàn diện, sâu sắc hơn, từ đó có những giải pháp đảm bảo kinh tế phát triển độc lập, tự chủ và vững chắc. Đồng thời, Chính phủ phải quan tâm phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, có những chính sách hiệu quả hơn nữa hỗ trợ ngư dân, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng biển đảo.
Các đại biểu Chu Lê Chinh – Lai Châu, Nguyễn Văn Cảnh – Bình Định, Mã Điền Cư- Quảng Ngãi cũng nhất trí đề nghị Chính phủ rà soát chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng; quy hoạch về số lượng, công suất tàu phù hợp với dự báo đánh giá trữ lượng nguồn thủy hải sản…
Ngày mai, Quốc hội sẽ tiếp tục kỳ họp với phiên thảo luận tổ về dự án Luật tổ chức Quốc hội và thảo luận hội trường về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.