Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 27/09/2022 06:20

(HNM) - Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước đã tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng khá thấp, cho thấy hiệu quả điều hành cũng như diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường. Tuy dư địa cho kiềm chế lạm phát còn khá “rộng” nhưng không thể chủ quan, cần chủ động giải pháp kiềm chế, bởi trước mắt là quý IV với nhu cầu, sức mua xã hội có xu hướng gia tăng trong khi giá xăng, dầu vẫn là ẩn số khó đoán.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị Winmart (quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhận diện thực tế

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, ở thời điểm hiện tại, sức mua hàng hóa sau đại dịch Covid-19 còn yếu, cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhất. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng sức mua của người tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm nay sẽ tăng cao hơn.

Trong 8 tháng năm 2022, giá xăng, dầu được điều chỉnh hơn 20 đợt, trong đó có nhiều đợt giảm giá gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022. Đó là, giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều để phục vụ sản xuất. Vì thế, giá nguyên liệu có thể ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, tạo áp lực lên giá cả hàng hóa, từ đó đẩy CPI tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế. Đặc biệt, giá xăng, dầu có thể tăng trở lại do tình hình xung đột quốc tế tiếp diễn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhiên liệu cũng có thể gia tăng khi bước vào mùa đông.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát tốt và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Đáng lưu ý là, nhu cầu tiêu dùng đã có “quán tính” tăng hơn trong quý IV, là lúc tiếp cận thời điểm cuối năm dương lịch, “lấy đà” vào dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh tế trong nước đang phục hồi rõ nét và với các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm. Khi đó, cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như: Hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình.

Tổng hợp các yếu tố trên, giá cả hàng hóa và dịch vụ có khả năng tăng, tạo áp lực lên lạm phát.

Bảo đảm giá cả ổn định

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, với quyết tâm, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong từng tháng cuối năm 2022, lạm phát sẽ được kiềm chế hiệu quả. Theo đó, CPI bình quân năm 2022 sẽ đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra (dưới 4%).

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, trên thị trường hiện nay, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm nhiều, về mức 22.000 đồng đến 24.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa, dịch vụ giảm chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng, dầu. Do đó, sức mua chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến chưa xuất hiện sự thay đổi rõ về thời giá trên thị trường. Song, bảo đảm cung - cầu thông suốt, hài hòa về giá cả, phù hợp với sức mua xã hội là vấn đề cần lưu ý. “Hệ thống phân phối, nhà sản xuất có chuẩn bị đủ hàng để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng hay không? Có sẵn sàng bán ra trên diện rộng tại các thời điểm sức mua tăng cao hay không, là câu hỏi cần chuẩn bị lời giải. Làm tốt việc phân phối, đáp ứng và hài hòa quan hệ cung - cầu sẽ giúp kiềm chế lạm phát cũng như bảo vệ người tiêu dùng một cách thỏa đáng”, ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Trong khi đó, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cần có sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cộng với sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ trong những tháng cuối năm. Yếu tố ổn định, nhất là về đời sống dân sinh, kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tốt chính sách tài khóa và tiền tệ… luôn phải đặt lên hàng đầu. Tất cả nhằm tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định giá cả thị trường.  

Riêng xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa dịch vụ, từ đó, giúp giảm đà tăng CPI. Do đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu.

Dự đoán về “ngưỡng” lạm phát cả năm 2022, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu giá xăng, dầu tương đối ổn định như trong tháng 9-2022, giá điện chưa thay đổi, cung cầu hàng hóa duy trì hợp lý và lưu thông được thông suốt thì khả năng CPI ở mức tăng 3,7% đến 3,8% so với năm 2021. Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam dưới 4%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.