(HNM) - Trong khi hầu hết cộng đồng doanh nghiệp còn chưa kịp “hồi sức” sau 3 đợt dịch Covid-19, thì đợt dịch thứ 4 lại xuất hiện. Bao trùm trên quy mô lớn, tốc độ lây lan nhanh, dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục phải gồng mình với những lo toan mới...
Tuy không hoàn toàn giống với những đợt dịch Covid-19 trước, song sự khó khăn vẫn ảnh hưởng đến phần lớn các lĩnh vực của nền kinh tế. Dù đã có kinh nghiệm đối phó và đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ, không ít doanh nghiệp vẫn rơi vào thế chênh vênh cầm cự để tồn tại. Tuy 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn “dương” so với số rút khỏi thị trường (con số này lần lượt là khoảng 78.400 và 59.800 doanh nghiệp), nhưng khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây.
Dẫu vậy, doanh nghiệp không đơn độc bởi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ. Nối tiếp từ những đợt dịch trước, ngày 19-4-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, là lần thứ ba hỗ trợ thuế trực tiếp cho doanh nghiệp. Ở góc độ bộ, ngành, ngày 2-4-2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần đây nhất, ngày 24-6, Bộ Tài chính cũng có Thông tư số 47/2021/TT-BTC, giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Là địa phương có số lượng lớn doanh nghiệp, Hà Nội luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp khi cắt giảm triệt để thời gian phê duyệt các thủ tục nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục rà soát để ban hành các quyết định rút ngắn thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Dịch Covid-19 sẽ còn tiếp diễn phức tạp và việc thực hiện “mục tiêu kép” vẫn là nhiệm vụ cấp thiết được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 23-6-2021 kết luận cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai các đợt hỗ trợ trước để doanh nghiệp được tiếp cận sự trợ giúp kịp thời, đúng thời điểm. Đáng lưu ý, việc hỗ trợ không cào bằng, mà cần tập trung vào lĩnh vực có sức lan tỏa để tạo xung lực phát triển chung cho nền kinh tế.
Về phía địa phương, bên cạnh việc giúp doanh nghiệp phòng, chống dịch hiệu quả thì cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không “ngăn sông, cấm chợ” nhằm hạn chế tác động của dịch đến doanh nghiệp. Cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để phục vụ, phối hợp cùng giải quyết nhanh, gọn mọi yêu cầu chính đáng của họ.
Sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Nhà nước là vô cùng cần thiết nên cộng đồng doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời, phải đổi mới để tự cứu mình, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách trợ giúp. Đặc biệt, cần củng cố, chú trọng hơn nữa thị trường nội địa để luôn trụ vững trong mọi hoàn cảnh.
Qua “phép thử” của dịch Covid-19 càng thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, việc xây dựng các kịch bản ứng phó trước khó khăn quan trọng đến nhường nào. Chỉ khi mọi chủ thể cùng có chung tinh thần chủ động thì mới dễ bề hóa giải khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.