Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón dòng vốn dịch chuyển

Hồng Sơn| 05/07/2022 07:11

(HNM) - Những năm qua, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, giới đầu tư trở nên kén chọn hơn trước khi ra quyết định đầu tư. Đồng thời, mức độ cạnh tranh để thu hút vốn giữa các quốc gia nhận đầu tư lại gia tăng. Để Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy, các đơn vị chức năng đang chủ động tổ chức nhiều hoạt động thu hút dòng vốn dịch chuyển đầu tư nước ngoài...

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Theo số liệu 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút thêm 14 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả hoàn toàn chấp nhận được trong tình huống bất lợi và hầu hết nhà đầu tư quốc tế đều gặp khó khăn. Ngược lại, lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân lại đạt 10,06 tỷ USD, tăng tới 8,9% so với cùng kỳ - là kết quả cao nhất trong cùng kỳ của 5 năm gần đây.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là kết quả rất quan trọng và ấn tượng của nền kinh tế, cho thấy sự quyết tâm hiện diện lâu dài tại Việt Nam của các nhà đầu tư và Việt Nam luôn duy trì là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Chia sẻ thêm về nội dung này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng nhận xét, hoạt động dịch chuyển dòng vốn ra khỏi một số địa bàn quá tập trung để tránh rủi ro, phụ thuộc một nguồn cung đang diễn ra mạnh mẽ. Và Việt Nam đang được nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới nhắm tới, nhằm triển khai cơ sở sản xuất linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp thành phẩm xuất khẩu.

Để tận dụng thời cơ, thúc đẩy dòng vốn ngoại “chảy” vào Việt Nam, Chính phủ đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư; lồng ghép hoạt động này vào hoạt động ngoại giao. Các địa phương cũng chủ động hơn, triển khai xúc tiến đầu tư với mục tiêu rõ ràng, hướng tới việc “tăng lượng, tăng chất” trong đầu tư nước ngoài. Đơn cử, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả, đã có bản ghi nhớ hợp tác, nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đề xuất 5,6 tỷ USD.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định sự quyết tâm, tạo điều kiện tốt nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Đó là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thời gian tới, thành phố sẽ sớm ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào thành phố đến năm 2030; tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.

Đáng lưu ý, một số tên tuổi lớn, có khả năng lan tỏa sâu rộng đang dồn sức hiện thực hóa mục đích biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm điện tử - bán dẫn, sản phẩm công nghệ cao nói chung. Trong 6 tháng qua, 2 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Samsung đã triển khai việc mở rộng, tăng vốn thêm khoảng 2 tỷ USD tại dự án ở Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện để vận hành trong thời gian tới và sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu làm ăn lâu dài của Tập đoàn này cũng như có tác dụng kích đẩy các dự án đầu tư mới từ chính Samsung hoặc doanh nghiệp nước ngoài khác tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài, đa dạng hóa địa bàn của giới đầu tư quốc tế, trong đó có đích đến là Việt Nam đang diễn ra rõ nét. Đến nay, các nhà sản xuất linh kiện ứng dụng công nghệ cao như Foxconn, Goertek, Pegatron… đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; từ đó đảm nhận các đơn hàng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) vừa xác nhận việc nghiên cứu khả năng đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho mục tiêu dài hơi tại Việt Nam, tập trung vào các dự án năng lượng, cảng biển, bất động sản…

Như nhận định của nhiều chuyên gia, khi đã đón được “đại bàng” đến làm tổ thì tiếp theo chắc chắn sẽ xuất hiện những đàn “chim sẻ” do sự hấp dẫn về thị trường, hệ sinh thái khởi nghiệp có sẵn để tận dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, đi sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón dòng vốn dịch chuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.